Cơ hội giao thương - Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) vừa tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2016 nhưng bất thành do không đủ tỷ lệ cổ đông có quyền biểu quyết tham dự. Vì đâu nên nỗi?




Trước kỳ đại hội bất thường, bà Nguyễn Thị Xuân Loan và ông Phạm Hữu Phương- đại diện 2 nhóm cổ đông nắm giữ 22,2% cổ phần- yêu cầu HĐQT bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT (Eximbank hiện có 9 thành viên HĐQT). Trong khi đó, nhóm cổ đông nước ngoài sở hữu 25,95% cổ phần lại kiến nghị giữ nguyên 9 thành viên HĐQT.

Xung đột ngày càng lớn giữa nhóm cổ đông trong nước với HĐQT khi nhóm cổ đông này cho rằng, quyền cổ đông đang tạm thời bị “vô hiệu hóa” trước các quyết định của HĐQT.

Cổ đông lớn bất lực?
Ngày 29/4/2016, một lần nữa thị trường lại chứng kiến những xung đột dai dẳng giữa nhóm cổ đông lớn với HĐQT Eximbank, khi đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của ngân hàng này bị hoãn lại do không đủ tỷ lệ cổ đông có quyền biểu quyết tham dự. Theo đó, số lượng cổ đông tham gia chỉ chiếm 50,19% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, tức là có tới 49,81% cổ đông không tham dự, một tỷ lệ lớn không bình thường đối với một ngân hàng niêm yết đại chúng như Eximbank.
Trước đó, tờ trình dự kiến trong ĐHĐCĐ cho thấy, HĐQT của Eximbank đã nhận được thư của đại diện một nhóm cổ đông nắm giữ số cổ phiếu chiếm tỷ lệ 11,82% cổ phần có quyền biểu quyết tại Eximbank và đại diện nhóm cổ đông nắm giữ số cổ phiếu chiếm tỷ lệ 10,42% cổ phần biểu quyết tại Eximbank. Cả hai nhóm cổ đông đều đưa ra yêu cầu về việc ngân hàng phải tiến hành bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT cho đủ 11 thành viên được ĐHĐCĐ tháng 12/2015 thông qua.
Tuy nhiên, trước yêu cầu chính đáng của nhóm cổ đông, HĐQT Eximbank đã cố tình không thực hiện các bước cần thiết để bầu bổ sung, đi ngược lại với yêu cầu bằng văn bản của nhóm cổ đông cũng như các quy định pháp luật. Cụ thể, HĐQT đã đưa yêu cầu của nhóm cổ đông như một kiến nghị bổ sung vào chương trình nghị sự để ĐHĐCĐ xem xét đưa vào chương trình nghị sự hay không. Trong lúc, HĐQT phải làm đúng trách nhiệm của mình, nghĩa là công bố quy trình bầu bổ sung thành viên HĐQT và gửi danh sách đề cử của cổ đông lên cho NHNN phê duyệt, để toàn bộ cổ đông có thể trực tiếp thực hiện quyền của họ là bầu cử bổ sung ngay trong kỳ họp. Thậm chí, theo tài liệu ĐHĐCĐ, HĐQT đã “cân nhắc thống nhất đây chưa phải là thời điểm thích hợp để bầu thành viên mới”, đi ngược lại Nghị quyết ĐHĐCĐ tháng 12/2015. Đây chính là điều mà nhóm cổ đông trong nước lo lắng, bởi HĐQT có thể tái diễn việc trì hoãn hoặc không thực hiện bất kỳ một nghị quyết ĐHĐCĐ nào trong tương lai.

Theo tài liệu của ĐHĐCĐ bị hoãn, HĐQT đã “cân nhắc thống nhất đây chưa phải là thời điểm thích hợp để bầu thành viên mới”,. Tuy nhiên, điều này lại đi ngược lại Nghị quyết ĐHĐCĐ tháng 12/2015 .


Thiếu minh bạch thông tin

Không những vậy, HĐQT ngân hàng này đã cố tình chậm trễ trong việc công bố thông tin ra ĐHĐCĐ năm 2016. Nhiều cổ đông đã rất bất ngờ khi thấy hai tờ trình số 11 và 12 về việc giảm số lượng thành viên HĐQT từ 11 xuống 9 theo yêu cầu của nhóm cổ đông nước ngoài được đưa thêm vào tài liệu ĐHĐCĐ vào buổi sáng ngày 29/4/2016, tức là ngày họp ĐHĐCĐ 2016. Một số cổ đông còn phản ánh trang web của Eximbank sau đó đã công bố thêm hai tờ trình đó và ghi ngày công bố là 28/04/2016? Việc HĐQT công bố thông tin vào phút thứ 89 cũng như việc nhóm cổ đông nước ngoài chỉ gửi yêu cầu đúng 3 ngày trước ngày ĐHĐCĐ (hạn chót để các nhóm cổ đông trên 10% có thể đưa thêm nội dung vào ĐHĐCĐ), đã khiến các cổ đông nhỏ lẻ đặt dấu hỏi về ý đồ của nhóm cổ đông nước ngoài và HĐQT.
Đặc biệt, nhóm cổ đông nước ngoài, bao gồm ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation, Quỹ Đầu tư VOF Investment Limited thuộc Vinacapital, Quỹ Đầu tư Mirae Asset Exim Investments Limited, đã thể hiện sự khó hiểu khi chính thức yêu cầu giảm số lượng thành viên HĐQT từ 11 xuống 9 với lý do không rõ ràng trong khi chỉ 4 tháng trước đó, chính họ đã thông qua số lượng thành viên HĐQT là 11 theo Nghị quyết ĐHĐCĐ tháng 12/2015 và họ đã có đủ đại diện trong HĐQT.
Được biết, không chỉ là vấn đề bất hòa trong nhóm cổ đông lớn, Eximbank hiện cũng phải đối mặt với vấn đề tài chính. Năm 2015, lợi nhuận trước dự phòng của ngân hàng này đạt 1.495 tỉ đồng nhưng sau khi trích lập, con số lợi nhuận trước thuế chỉ còn 61 tỷ đồng, hoàn thành 6% kế hoạch năm.
Từ góc độ quản trị DN, thị trường và các cổ đông đang nhìn vào và thực sự quan ngại về xung đột trong nội bộ ngân hàng cũng như cách hành xử của HĐQT Eximbank. Khi một HĐQT sẵn sàng bỏ qua các quyền cơ bản của cổ đông vì lợi ích của một nhóm cổ đông thiểu số thì liệu các cổ đông nhỏ lẻ có thể hy vọng về một tương lai tươi sáng của Eximbank?

LS nguyễn tiến Sơn – Đoàn luật sư Hà Nội: HĐQT phải minh bạch
Theo quy định của pháp luật, khi thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình, HĐQT tuân thủ đúng quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và quyết định của Đại hội đồng cổ đông. Trong trường hợp quyết định do HĐQT thông qua trái với quy định của pháp luật hoặc Điều lệ công ty gây thiệt hại cho công ty thì các thành viên chấp thuận thông qua quyết định đó phải cùng liên đới chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định đó và phải đền bù thiệt hại cho công ty; thành viên phản đối thông qua quyết định nói trên được miễn trừ trách nhiệm. Trong trường hợp này, cổ đông sở hữu cổ phần của công ty liên tục trong thời hạn ít nhất một năm có quyền yêu cầu HĐQT đình chỉ thực hiện quyết định nói trên.
Vì vậy, trong khi kiến nghị của nhóm cổ đông trong nước được gửi tới sớm hơn thì HĐQT phải xếp tờ trình trước tờ trình của nhóm cổ đông nước ngoài. Hơn nữa, tôi cũng đặt câu hỏi: liệu HĐQT có đang cố tình thiên vị một nhóm cổ đông thiểu số mà quên đi vai trò là đại diện của toàn bộ cổ đông?





(Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp)

Theo cohoigiaothuong.com.vn