Cơ hội giao thương - Nếu nỗ lực, bằng các giải pháp tích cực, Việt Nam có thể còn tiết kiệm được từ 15- 30% năng lượng điện, ông Đào Hồng Thái - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.




Bằng các giải pháp tích cực, Việt Nam có thể còn tiết kiệm được từ 15- 30% năng lượng điện (ảnh minh họa).


Xin ông cho biết một số hoạt động mà thành phố Hà Nội triển khai trong năm nay để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) công nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả?



Ông Đào Hồng Thái - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội
Ông Đào Hồng Thái: Trong năm 2016, thành phố Hà Nội sẽ tập trung vào hai đối tượng, đó là các DN có mức tiêu thụ năng lượng trọng điểm và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Theo đó, đối với các DN tiêu thụ năng lượng trọng điểm, thành phố tập trung giúp DN xây dựng các mô hình quản lý năng lượng tiết kiệm, từ đó giúp họ thấy được sự cần thiết trong việc triển khai thực hiện các giải pháp cũng như đổi mới công nghệ.
Đối với DNVVN, thành phố sẽ phối hợp với địa phương trên cơ sở đó có những giải pháp hỗ trợ như kiểm toán năng lượng, đặc biệt sẽ tập trung hỗ trợ DN sản xuất công nghiệp thay đổi quy trình công nghệ đốt gốm, nung gốm tại xã Kim Lan (huyện Gia Lâm).
Cụ thể, mới đây thành phố Hà Nội đã lựa chọn 2 cơ sở sản xuất Nguyễn Văn Lan và Vũ Văn Hưng tại xã Kim Lan, huyện Gia Lâm để hỗ trợ xây dựng hồ sơ Báo cáo đầu tư tham dự Chương trình hỗ trợ đầu tư Xanh thuộc dự án Chuyển hóa Carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam. Theo đó, cơ sở sản xuất Nguyễn Văn Lan đã tiến hành chuyển đổi từ lò đốt than truyền thống 32,5m3 sang lò đốt LPG 10m3.
Hệ thống lò nung gốm sử dụng Gas mới đem lại khả năng tiết kiệm năng lượng (TKNL) lên tới 50% và lượng than giảm được lên tới 70% so với hệ thống lò nung cũ sử dụng than. Trong khi đó, cơ sở sản xuất Vũ Văn Hưng đã tiến hành chuyển đổi từ lò đốt than truyền thống 26m3 sang lò đốt LPG 15m3. Kết quả cho thấy, hệ thống lò nung gốm sử dụng Gas mới đem lại khả năng TKNL lên tới gần 60% và lượng CO<sub>2</sub> giảm được lên tới trên 70% so với hệ thống lò nung cũ sử dụng than.
Trên thực tế những DN sử dụng năng lượng trọng điểm là đối tượng bắt buộc phải áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều DN không thực hiện, thành phố sẽ xử lý vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Ông Đào Hồng Thái: Đối với các DN tiêu thụ năng lượng trọng điểm, năm nay thành phố sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, song song với đó, sẽ hướng dẫn để DN có thể thực hiện báo cáo kiểm toán tình hình sử dụng năng lượng. Đồng thời, Sở Công Thương Hà Nội sẽ đánh giá tình hình sử dụng năng lượng trong 5 năm qua từ đó xây dựng các giải pháp TKNL.
Tôi cho rằng, khó khăn hiện nay đối với các DN tiêu thụ năng lượng trọng điểm đó là nguồn lực, nhiều DN sau khi đào tạo rồi lại có sự luân chuyển, do đó, việc theo dõi số liệu thường xuyên, thực hiện các quy định của pháp luật về tiêu thụ năng lượng vẫn chưa nghiêm túc. Chúng tôi hi vọng rằng qua đợt thanh tra này, các DN sẽ thực hiện tốt vấn đề này.
Hiệu quả TKNL tại các DN chỉ bền vững khi được thực hiện liên tục và thường xuyên, sau một thời gian triển khai, ông đánh giá thế nào về việc thực hiện TKNL tại các DN?
Việc thực hiện TKNL hiệu quả tại các DN cần trải qua nhiều bước, bước đầu tiên là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các DN, tiếp theo là hướng dẫn cho các DN thực hiện đánh giá tình hình sử dụng năng lượng theo biểu mẫu của địa phương, sau đó, sẽ thực hiện kiểm toán cho các DN. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do có những mục tiêu cần thiết hơn dẫn đến tình trạng DN sao nhãng trong việc TKNL.
Chính vì vậy, hiện nay, thành phố đang đẩy mạnh tuyên truyền hướng đến các DN thực hiện mô hình quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 50001:2012. Thực hiện theo tiêu chuẩn này giúp DN xây dựng hệ thống quản lý năng lượng hiệu quả, từ đó giúp việc TKNL của DN sẽ được thực hiện thường xuyên liên tục và bền vững hơn.
Theo ông, làm thế nào đưa chính sách TKNL hiệu quả đến với DNVVN một cách bài bản và bền vững hơn?
Ông Đào Hồng Thái: Do các DNVVN không có đủ nguồn lực để đánh giá tình hình sử dụng năng lượng nên thành phố sẽ hỗ trợ trong vấn đề này để từ đó phân tích các khu vực có tiềm năng lãng phí. Đặc điểm nữa của các DNVVN là vốn đầu tư đổi mới trang thiết bị công nghệ thấp, chính vì vậy, việc xúc tiến đầu tư hay tiếp cận các công nghệ mới của DNVVN còn hạn chế, do đó, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức các hội chợ giới thiệu các công nghệ phù hợp để có thể rút ngắn thời gian, giảm kinh phí đầu tư, cũng như đưa ra các quyết định trong việc đổi mới công nghệ từng bước.
Ngoài ra, thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các DNVVN đã được kiểm toán phải thực hiện các bước như: quy trình vận hành máy móc đúng quy định; bảo dưỡng thường xuyên; bảo ôn đường ống, van... để có thể tiết kiệm điện nhất trong quá trình sản xuất.
Xin cảm ơn ông!


Hạnh Liên

Theo cohoigiaothuong.com.vn