Cơ hội giao thương - Mới thâm nhập thị trường Trung Đông hai năm nhưng điện thoại di động (ĐTDĐ) và linh kiện đã “chiếm” vị trí thứ nhất về kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng truyền thống là thuỷ hải sản.






Theo số liệu thống kê chính thức của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Đông trong năm 2011 đạt hơn 2,5 tỷ USD, tăng 54% so với năm 2010. Điểm đáng chú ý là sự nổi lên của các mặt hàng mới và công nghệ cao.
Năm 2011, xuất khẩu điện thoại di động và linh kiện đạt 568 triệu USD, chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu sang khu vực Trung Đông. Trước đó, năm 2010, ĐTDĐ và linh kiện mới đạt giá trị xuất khẩu 134,5 triệu USD, đứng vị trí thứ 5.
Ngoài kim ngạch, mặt hàng này cũng cho thấy sự thâm nhập mạnh mẽ ở hầu hết thị trường các nước trong khu vực, trong đó chủ yếu là UAE (chiếm 64%), Thổ Nhĩ Kỳ (22%), Irắc (8%), Ảrập Xêút (5%) và bắt đầu có mặt tại Bahrain, Ôman, Qatar, Libăng, Côoét, Gioócđani.
Tuy đạt mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng nhưng xuất khẩu ĐTDĐ chủ yếu do một vài hãng nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, trong đó Samsung chiếm thị phần lớn nhất. Xuất khẩu ĐTDĐ mang thương hiệu riêng của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn.
Mặt hàng mới thứ hai có mức tăng trưởng xuất khẩu cao là sợi các loại. Năm 2011, xuất khẩu mặt hàng này đạt hơn 278 triệu USD, tăng trưởng 102%, chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu với thị trường chủ yếu là Thổ Nhĩ Kỳ (xấp xỉ 99%) và Iran, Irắc, Libăng, UAE. Nhờ đó, xuất khẩu mặt hàng sợi các loại đã vươn lên vị trí thứ hai từ vị trí thứ tư trong năm 2010 (137,5 triệu USD). Trong thời gian tới, nhu cầu sợi các loại Việt Nam của khu vực Trung Đông còn cao, nhất là từ Thổ Nhĩ Kỳ, nhà sản xuất hàng may mặc lớn nhất cho châu Âu.
Một mặt hàng nữa có mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng trong năm 2011 là sữa và sản phẩm sữa, đạt 122,6 triệu USD, tăng gấp 4 lần so với năm 2010.
Sự nổi lên của các mặt hàng mới và công nghệ cao đã làm tụt hạng các mặt hàng truyền thống. Hải sản là một ví dụ. mặc dù vẫn tăng trưởng cao với mức 41% nhưng xuất khẩu hải sản đã tụt xuống vị trí thứ ba với với kim ngạch 229,3 triệu USD, chiếm 9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả khu vực. Các thị trường chủ yếu nhập khẩu hải sản Việt Nam là Ảrập Xêút (30%), UAE (20%), Irắc (13%), Iran (5%).
Riêng mặt hàng gạo xuất khẩu sụt giảm mạnh, tới 60% so với năm 2010, từ vị trí thứ hai tụt xuống vị trí thứ 12, kim ngạch từ 150 triệu USD năm 2010 xuống còn 60,1 triệu USD năm 2011. Nguyên nhân chủ yếu là bởi cạnh tranh gay gắt từ Ấn Độ, Pakistan, Campuchia, Myanmar. Điều này đặt xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Đông trước không ít thách thức.
Một số mặt hàng khác vẫn duy trì được vị trí là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (170 triệu USD, tăng 72%), vải các loại (44,8 triệu USD), hạt tiêu (95,2 triệu USD), dệt may (76,6 triệu USD), giày dép (74,9 triệu USD), sắt thép (65,9 triệu USD).
Nhìn chung, các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Đông trong năm 2011 đạt mức tăng trưởng cao so với năm 2010. Năm 2012, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và thế giới còn nhiều khó khăn, trong khi tình hình chính trị khu vực Trung Đông có những diễn biến khó lường, sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này.
Do đó, bên cạnh lợi thế năng lực sản xuất, xuất khẩu sang Trung Đông phụ thuộc rất nhiều vào sự năng động của doanh nghiệp, cộng với hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các hoạt động xúc tiến thương mại.

Nguyễn Thùy Linh (Bộ Công Thương)

Theo cohoigiaothuong.com.vn