Cơ hội giao thương - Ký được biên bản ghi nhớ thương mại gạo (MOU) với Guinea, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Guinea sẽ không phải đi đường vòng, qua thương nhân châu Âu và Libăng như hiện nay.






Ký được biên bản ghi nhớ thương mại gạo (MOU) với Guinea, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Guinea sẽ không phải đi đường vòng, qua thương nhân châu Âu và Libăng như hiện nay.
Guinea là một trong những thị trường xuất khẩu gạo quan trọng nhất của Việt Nam tại châu Phi, riêng năm 2011giá trị xuất khẩu gạo đạt 78 triệu USD. Mức tiêu thụ gạo bình quân hiện tại của Guinea là 73 kg/người/năm và dự báo có xu hướng tăng mạnh, trong khi sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được một phần nhỏ.
Tuy nhiên, gạo của Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh lớn từ nhiều nước châu Á, nhất là từ Ấn Độ. Ký MOU mua bán gạo sẽ tạo cơ sở pháp lý để doanh nghiệp hai nước thực hiện hợp đồng trực tiếp, đồng thời gạo Việt Nam có điều kiện cạnh tranh tốt hơn. Việc ký MOU thương mại gạo với Guinea mang lại lợi ích cho cả hai nước, không phải qua trung gian sẽ làm tăng lợi ích và giảm chi phí của doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo của Việt Nam và Guinea. Hiện tại, Guinea là 1 trong 5 nước châu Phi chưa tư nhân hóa hoạt động nhập khẩu gạo.
Trong chuyến làm việc tại Marốc tham dự Diễn đàn Kinh doanh Marốc- châu Á (từ ngày 14 đến 16/3), đoàn Bộ Công Thương do ông Lý Quốc Hùng- Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á- làm trưởng đoàn đã có cuộc gặp với Đại sứ Guinea tại Marốc để trao dự thảo MOU mua bán gạo cũng như trao đổi thêm những khả năng hợp tác về thương mại và công nghiệp giữa hai nước. Đại sứ Mamadouba Diabaté cho rằng: “Việc ký MOU là nền tảng quan trọng cho ổn định thương mại gạo và thiết lập cơ chế mua bán trực tiếp giữa hai bên. Hai bên cần xúc tiến nhanh các thủ tục để cụ thể hoá MOU này trong năm nay”.
Theo Đại sứ Mamadouba Diabaté, nông nghiệp là lĩnh vực nhiều tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Guinea, từ thương mại, sản xuất và chế biến, đến chuyển giao kỹ thuật. Hiện tại, một số chuyên gia nông nghiệp Việt Nam đang làm việc tại Guinea theo chương trình hợp tác ba bên với Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO).
Thương mại Việt Nam- Guinea đang phát triển rất nhanh. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2011 kim ngạch thương mại hai chiều đã vượt 100 triệu USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 94,8 triệu USD, tăng 100% và nhập khẩu đạt 12,9 triệu USD, tăng 82%. Guinea hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Việt Nam tại châu Phi. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Guinea chủ yếu là gạo, giày dép, mỳ ăn liền, dệt may, mây tre, cói và thảm, gốm sứ, nguyên phụ liệu thuốc lá, sữa, xe đạp và phụ tùng... Về nhập khẩu, Việt Nam mua từ Guinea các mặt hàng gỗ, hạt điều, sắt thép phế liệu…
Mặc dù vậy, nhiều tiềm năng về thương mại và hợp tác công nghiệp giữa Việt Nam và Guinea vẫn chưa được doanh nghiệp hai bên tận dụng do khoảng cách địa lý, chưa có cơ quan đại diện ngoại giao và thương mại dẫn đến thiếu thông tin về thị trường, đối tác của nhau.
Ông Lý Quốc Hùng cho rằng, để thúc đẩy thương mại song phương, hai bên cần hoàn thiện khung pháp lý như các thỏa thuận về thương mại, công nghiệp, đầu tư, ngân hàng, vận tải... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước hoạt động. Ngoài ra, hai nước cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương của nhau.
Ngoài hợp tác song phương, Việt Nam và Guinea còn tham gia Đề án hợp tác mở rộng thương mại liên vùng giữa các nước nói tiếng Pháp khu vực sông Mekong và Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi (UEMOA), thông qua hỗ trợ của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) tổ chức các cuộc gặp bên mua, bên bán một số mặt hàng thế mạnh của mỗi nước như gạo, giày dép, gỗ, điều tại Việt Nam và Guinea.
Theo Đại sứ Mamadouba Diabaté, nhận lời mời của Bộ Công Thương Việt Nam, Đoàn Bộ Thương mại Guinea sẽ sớm sang Việt Nam để ký MOU và bàn các biện pháp thúc đẩy thương mại và hợp tác công nghiệp.




(Theo Theo Báo CT)

Theo cohoigiaothuong.com.vn