Cơ hội giao thương - Bắt đầu từ năm 2012, mỗi cơ sở thực phẩm phải đăng ký lại với Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) 2 năm một lần thay vì chỉ đăng ký 1 lần như trước đây. Việc đăng ký lại sẽ được yêu cầu phải thực hiện trong quý 4 hàng năm chẵn.






Bắt đầu từ năm 2012, mỗi cơ sở thực phẩm phải đăng ký lại với Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) 2 năm một lần thay vì chỉ đăng ký 1 lần như trước đây. Việc đăng ký lại sẽ được yêu cầu phải thực hiện trong quý 4 hàng năm chẵn. Đây là những nét mới mà các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm và đồ uống Việt Nam cần lưu ý khi xuất hàng sang thị trường Hoa Kỳ.
Từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ, nhất là sau khi 2 nước ký hiệp định thương mại song phương, quan hệ thương mại 2 nước phát triển rất nhanh cả về quy mô và tốc độ. Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Năm 2011, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 16,9 tỷ USD tăng 18,9% so với năm 2010, chiếm tỷ trọng 17,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam. Trong đó các ngành xuất khẩu chủ lực tăng trưởng một cách ấn tượng. Chẳng hạn các mặt hàng thực phẩm và đồ uống Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ liên tục tăng.
Mặc dù là thị trường tiềm năng song đây cũng là thị trường có nhiều thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam. Hoa Kỳ được coi là quốc gia có hệ thống luật pháp phức tạp và nhiều rào cản kỹ thuật đối với thương mại. Trong những năm gần đây, doanh nghiệp Việt Nam thường gặp khó khăn về tiêu chuẩn lao động và môi trường khi xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ; các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ giá; hàng rào kỹ thuật và an toàn thực phẩm. Đặc biệt là đối với mặt hàng thực phẩm và đồ uống, việc xuất khẩu sang Hoa Kỳ phải tuân thủ khá ngặt nghèo các quy định của FDA, cụ thể là về Luật chống khủng bố sinh học; việc đăng ký, đại diện tại Hoa Kỳ, thông báo trước; ghi nhãn, định dạng, ngôn ngữ; hệ thống phân tích và kiểm soát nguồn nguy hại (HACCP) và tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMPs). Rất nhiều doanh nghiệp mắc lỗi khi xuất hàng sang thị trường tiềm năng này đều, nguyên nhân là do doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận hoàn thiện và cặn kẽ các quy định an toàn thực phẩm, dược phẩm của FDA.
Theo ông David Lennarz- Nguyên chuyên gia kỹ thuật Cục quản lý an toàn thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA)- Phó chủ tịch công ty Registrar Corp, nguyên nhân mà sản phẩm bị giữ là do quy cách ghi nhãn không chính xác, nguyên liệu không được chấp nhận, câu cảnh báo sức khỏe không được cho phép.
Như vậy, để tăng xuất khẩu vào thị trường Hòa Kỳ, việc nhanh chóng khắc phục những bất cập nói trên là yêu cầu trước mắt và cũng là vấn đề xuyên suốt trong quá trình phát triển xuất khẩu của Việt Nam- ông Tạ Hoàng Linh- Phó Cục trưởng Cục xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) nhấn mạnh.
Trước khi xuất mặt hàng thực phẩm, dược phẩm sang Hoa Kỳ, các doanh nghiệp phải đăng ký và khai thông báo trước với FDA. Tuy nhiên, theo quy định mới của Luật Hiện đại hóa An toàn thực phẩm của FDA (FSMA) thì sau khi đăng ký với FDA sẽ có thời gian để thẩm tra lại doanh nghiệp cũng như các nhà máy xem có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không rồi mới được cấp các mã, ID để có thể xuất hàng sang được. Một đại diện của công ty xuất khẩu hạt điều tại Hà Nội đã chia sẻ, việc này có thể chậm hơn chút nhưng không mất quá nhiều chi phí. Bắt đầu từ năm 2012, mỗi cơ sở thực phẩm phải đăng ký lại với FDA 2 năm một lần. Theo đó, việc đăng ký lại sẽ được yêu cầu phải thực hiện trong quý 4 hàng năm chẵn. Với những nét mới trong FSMA đã buộc các nhà nhập khẩu có trách nhiệm hơn đối với chất lượng sản phẩm của các nhà sản xuất nước ngoài. Các doanh nghiệp cần phải hoàn thiện mình hơn, thường xuyên nâng cấp quy trình về an toàn vệ sinh thực phẩm trong nhà máy để xuất khẩu hàng sang Mỹ một cách thuận lợi nhất.
Tuy nhiên, không phải mặt hàng xuất sang Hoa Kỳ đã đăng ký FDA đều có thể yên tâm mặt hàng đó có mặt tại đây. Bởi theo luật mới thì FDA có quyền hạn trong việc nghi ngờ một cơ sở thực phẩm đã đăng ký nếu FDA nghĩ rằng cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói, nhận hoặc lưu giữ hàng bởi cơ sở đó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc tử vong của người và động vật.
Theo Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại- Tạ Hoàng Linh, hiện nay, Bộ Công Thương đã có nhiều hoạt động để phổ biến những nét mới về quy định an toàn thực phẩm giúp các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản, lâm sản, thực phẩm của Việt Nam rút ngắn thời gian làm thủ tục nhập khẩu, đăng ký giấy phép đồng thời tránh những rủi ro trong xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, những lỗi mắc phải khiến hàng hóa không vào được thị trường Hoa Kỳ vẫn còn. Vì vậy, trước khi có những đơn hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ lưỡng các quy trình, thủ tục xuất sang Hoa Kỳ như thế nào để tránh rủi ro khi hàng đã đóng, đưa ra rồi mà bên nhập khẩu không nhận được hàng.




Thu Phương

Theo cohoigiaothuong.com.vn