Cơ hội giao thương - Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa ban hành quyết định sơ bộ về thuế chống bán phá đối với với sản phẩm ống thép hàn các bon hàn (CWP- mã HS 7306 ) từ Ấn Độ, Việt Nam, Oman và Các tiểu vương quốc Ả rập (UAE).






Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa ban hành quyết định sơ bộ về thuế chống bán phá đối với với sản phẩm ống thép hàn các bon hàn (CWP- mã HS 7306 ) từ Ấn Độ, Việt Nam, Oman và Các tiểu vương quốc Ả rập (UAE).
Theo kết quả sơ bộ của DOC, các doanh nghiệp xuất khẩu ống thép lớn của Việt Nam không bán phá giá. Nhờ vậy, các doanh nghiệp có khối lượng xuất khẩu chiếm đa số trong tổng lượng sản phẩm ống thép xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ bị DOC chọn làm mẫu bắt buộc tham dự quá trình điều tra sẽ được hưởng mức thuế suất sơ bộ 0%. Công ty Thép SeAH VINA Đồng Nai và Công ty chế tạo máy Hồng Nguyên Hải Phòng là những đơn vị thuộc diện này.
Đối với các nhà xuất khẩu của Việt Nam không được chọn làm bị đơn bắt buộc song có đơn tự nguyện tham gia vụ điều tra và được DOC chấp nhận làm bị đơn tự nguyện sẽ được hưởng mức thuế 9,32%. Trường hợp này bao gồm Công ty CP Sun Steel, Tập đoàn Hữu Liên Á Châu và Công ty ống thép Hòa Phát.
Các doanh nghiệp không thuộc hai đối tượng trên sẽ phải chịu mức thuế 27,96%.
Để có được thành công bước đầu này, các doanh nghiệp trên đã tham gia vào các tiến trình của vụ điều tra một cách nghiêm túc, tích cực và chủ động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp mình, thuê luật sư thu thập, tìm kiếm chứng cứ chi tiết và đầy đủ nhất để chứng minh rằng họ không bán phá giá.
Ngược lại, những doanh nghiệp không tham gia vụ kiện phải chịu mức thuế suất toàn quốc, được xác định dựa trên các thông tin sẵn có bất lợi do phía bên nguyên cung cấp.
Từ kết quả này cho thấy, các doanh nghiệp cần cố gắng tham gia các vụ điều tra đầy đủ, nghiêm túc và hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra để đảm bảo lợi ích hợp pháp của mình, Cục Quản lý cạnh tranh khuyến cáo.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là quyết định sơ bộ. Theo luật pháp Hoa Kỳ, các doanh nghiệp xuất khẩu được chọn làm bị đơn bắt buộc và tự nguyện có quyền tiếp tục bổ sung các tài liệu và số liệu thực tế chứng minh lợi ích hợp pháp của mình (không bán phá giá, không nhận trợ cấp). Phía DOC có thể cân nhắc, xem xét những yếu tố này khi ban hành quyết định chính thức. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu nên tiếp tục phối hợp với luật sư nhằm tiếp tục tìm kiếm và bổ sung những chứng cứ hữu ích cho cơ quan điều tra để bảo vệ tốt nhất lợi ích của mình.



Nguyễn Phượng

Theo cohoigiaothuong.com.vn