Cơ hội giao thương - Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kể từ ngày 18/5/2012 chỉ duy nhất tôm Việt Nam bị phía Nhật Bản áp dụng kiểm tra Ethoxyquin với tần suất 30% lô hàng, dù tính đến hết tháng 5/2012 chưa lô hàng tôm Việt Nam nào bị cảnh báo có tồn dư chất này.






Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kể từ ngày 18/5/2012 chỉ duy nhất tôm Việt Nam bị phía Nhật Bản áp dụng kiểm tra Ethoxyquin với tần suất 30% lô hàng, dù tính đến hết tháng 5/2012 chưa lô hàng tôm Việt Nam nào bị cảnh báo có tồn dư chất này.
Trong khi đó, tôm có xuất xứ từ các quốc gia khác, nhất là Thái Lan lại không bị phía Nhật Bản áp dụng chế độ kiểm tra chỉ tiêu Ethoxyquin.
Hiện nay, các chỉ tiêu chất chất lượng phải kiểm tra được quy định trong chương trình giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm đang áp dụng tại Nhật Bản không có Ethoxyquin. Do đó, chưa có quy định cụ thể về hàm lượng Ethoxyquin được phép sử dụng đối với sản phẩm thủy sản tại thị trường này. Tuy nhiên, các sản phẩm tôm nhập khẩu bị kiểm tra Ethoxyquin sẽ được tự động áp dụng mức dư lượng tối đa 0,01 ppm. Điều này khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam vô cùng lo ngại, bởi quy định mới này sẽ gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu tôm sang Nhật Bản do các doanh nghiệp khó có thể kiểm soát Ethoxyquin trong tôm dưới mức này.
VASEP cho biết, các nước khác hiện áp dụng mức Ethoxyquin trong thủy sản cao hơn rất nhiều so với Việt Nam, điển hình như EU pho phép mức 150 ppb, Mỹ cho phép mức 75 ppb. Tại Nhật Bản, hàm lượng Ethoxyquin cho phép sử dụng trong thức ăn thủy sản nội địa cũng lên tới 150 ppb. Vì vậy, việc Nhật Bản đưa ra mức quy định kiểm tra chặt chẽ 10 ppb đối với riêng sản phẩm tôm Việt Nam là thiếu công bằng, và cần được điều chỉnh lên 100 ppm.
Trước tình hình này, VASEP đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét và khẩn cấp có các hoạt động ngoại giao, gặp gỡ cấp cao giữa các Bộ liên quan nhằm kịp thời vận động và yêu cầu phía Nhật Bản điều chỉnh ngay mức giới hạn tối đa đối với Ethoxyquin cũng như có lộ trình đủ để ngành tôm Việt Nam điều chỉnh và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến Ethoxyquin.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam 5 tháng đầu năm đạt 2,3 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2011 với mặt hàng chủ lực là tôm. Trong đó, Nhật Bản đang là thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam, chiếm 26,9% tổng kim ngạch.



Thành Công

Theo cohoigiaothuong.com.vn