Cơ hội giao thương - Đầu năm 2012, các đơn đặt hàng gạo từ Trung Quốc tăng cao sau vài tháng ở mức thấp. Tuy nhiên, gần đây, thương nhân Trung Quốc liên tục hủy các đơn hàng nhập khẩu, phá vỡ nhiều hợp đồng ký với thương nhân gạo Việt Nam.






Đầu năm 2012, các đơn đặt hàng gạo từ Trung Quốc tăng cao sau vài tháng ở mức thấp. Tuy nhiên, gần đây, thương nhân Trung Quốc liên tục hủy các đơn hàng nhập khẩu, phá vỡ nhiều hợp đồng ký với thương nhân gạo Việt Nam.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho biết, hiện tượng hủy đơn hàng nhập khẩu nông sản vẫn thường thấy trong giao thương giữa Trung Quốc và Việt Nam. Đầu tiên, thương nhân Trung Quốc thu mua hàng hóa với khối lượng lớn và tiếp tục đặt những đơn hàng lớn. Nông dân và doanh nghiệp Việt Nam phấn khởi vì đã ký được những đơn hàng lớn bán với mức giá hời cho phía Trung Quốc mà không nhận ra rằng thương nhân Trung Quốc không bao giờ mở tín dụng thư (L/C).
Sau một thời gian thu mua hàng hóa, thương nhân Trung Quốc đột ngột ngừng thu mua vào lúc các doanh nghiệp Việt Nam đang có nguồn cung lớn. Đây được xem là thủ đoạn của thương nhân Trung Quốc. Cũng không loại trừ trường hợp họ ngừng thu mua hàng do thực sự đã đủ hàng trong tay.
Trong năm 1995- 1996, nhiều nhà xuất khẩu gạo và cao su Việt Nam đã “trắng tay” khi giao thương với Trung Quốc. Trong một vài trường hợp, các nhà nhập khẩu Trung Quốc chấp nhận mở L/C. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng sập bẫy do một số điều khoản bất lợi. Do đó, thị trường Trung Quốc được nhận định là một thị trường bất ổn.
Các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam cũng cho biết thêm, thương nhân Trung Quốc mua theo điều kiện FOB (giao hàng tại mạn); tức là họ sẽ lo tàu và chịu chi phí vận chuyển. Các nhà xuất khẩu Việt Nam có muốn vận chuyển thì thương nhân Trung Quốc cũng không cho. Và nếu doanh nghiệp Việt Nam thuê tàu và container thì đến giai đoạn thanh toán hãng tàu cấp vận đơn ngay. Chứ như hiện nay, đối tác Trung Quốc nắm quyền thuê container nên rất dễ gây khó cho phía Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng qua đến Trung Quốc thì họ viện lý do này nọ không nhận hàng nữa. Đến lúc đó, các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam cũng đành chịu vì không có vận đơn để hoàn tất bộ chứng từ thanh toán. Tuy vậy, hầu hết các nhà xuất khẩu Việt Nam đều biết những rủi ro khi giao dịch với phía Trung Quốc.
Sự bất ổn trong giao thương với đối tác Trung Quốc đang đẩy giá gạo bán buôn với Trung Quốc giảm để có thể đối phó với những rủi ro khi phía Trung Quốc hủy hợp đồng.




Sao Mai

Theo cohoigiaothuong.com.vn