Cơ hội giao thương - "Chính quyền Mandalay đang nỗ lực áp dụng các chính sách cải cách mới của Myanmar để phát triển kinh tế, chúng tôi mời gọi đầu tư từ các doanh nghiệp TP.HCM và sẽ giới thiệu những cơ hội thích hợp tại đây".


"Chính quyền Mandalay đang nỗ lực áp dụng các chính sách cải cách mới của Myanmar để phát triển kinh tế, chúng tôi mời gọi đầu tư từ các doanh nghiệp TP.HCM và sẽ giới thiệu những cơ hội thích hợp tại đây".
Ông U Aung Maung, thị trưởng thành phố Mandalay phát biểu chào đón đoàn doanh nghiệp TP.HCM do phó chủ tịch Nguyễn Thị Hồng dẫn đầu đến Mandalay hôm 18.6.
Đoàn TP.HCM với gần 60 doanh nghiệp tham dự hội thảo kết nối và tìm hiểu cơ hội làm ăn tại Mandalay. Sự kiện này nằm trong khuôn khổ chương trình xúc tiến thương mại đầu tư do Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức tại hai thành phố lớn nhất của Myanmar là Yangon và Mandalay, từ 14 đến 19.6
Thị trưởng U Aung Maung cho biết thêm, Myanmar đang cải cách các chính sách đầu tư, thương mại và tài chính tiền tệ để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, cải cách kinh tế hiện nay đã rõ ràng hơn và đạt nhiều kết quả sau hơn một năm. "Chúng tôi cũng sẽ có chuyến đến TP.HCM để tìm hiểu các cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam", ông nói.
Phó chủ tịch Nguyễn Thị Hồng cho biết, TP.HCM khuyến khích các doanh nghiệp đến Mandalay tìm hiểu cơ hội làm ăn và thiết lập quan hệ với doanh nghiệp địa phương. Từ sau chuyến thăm chính thức Myanmar tháng 12.2011 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 3.2012 của Tổng thống Thein Sein đã đánh dấu cột mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác hai nước.
Chính quyền TP.HCM đã xác định Myanmar là thị trường trọng điểm xúc tiến thương mại, đầu tư và chủ động tổ chức nhiều sự kiện giao lưu kinh tế nhằm kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai nước, qua đó mở rộng cơ hội giao thương. "Thành phố sẽ tạo cơ hội thuận lợi để doanh nghiệp hai bên cùng hợp tác kinh doanh và đầu tư", phó chủ tịch cho biết.
Ông U Aung Win Khaing, chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp vùng Mandalay, cho biết, Mandalay là vùng phong phú về tài nguyên, có vị trí địa lý kinh tế trung tâm của Myanmar, vì thế trở thành điểm hấp dẫn các nhà đầu tư. Nhiều lĩnh vực Mandalay đang có nhu cầu hợp tác như khai khoáng, thiết bị cơ giới nông nghiệp, chế biến gỗ… Khu công nghiệp Mandalay với sự tham gia của gần 1500 doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề, Madalay đang tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư mới và sẽ tạo nhiều thuận lợi cho đối tác.






(Theo SGGP)

Theo cohoigiaothuong.com.vn