Cơ hội giao thương - Việt Nam vẫn chưa chiếm được vị trí quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu của Ukraine, trong khi đó quy mô xuất nhập khẩu của Ukraine đối với những loại hàng hóa thuộc nhóm hàng hóa chiến lược của Việt Nam lại gia tăng ổn định.






Việt Nam vẫn chưa chiếm được vị trí quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu của Ukraine, trong khi đó quy mô xuất nhập khẩu của Ukraine đối với những loại hàng hóa thuộc nhóm hàng hóa chiến lược của Việt Nam lại gia tăng ổn định. Khai phá thị trường tiềm năng này sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam mở ra cơ hội mới.
Hiện nay, Ukraine là thị trường lớn đang nổi, có sức mua lớn và nhu cầu đa dạng, tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài khai thác và tìm kiếm lợi nhuận. Thị trường hàng hóa Ukraine trong mối liên hệ với thị trường Việt Nam là mối quan hệ bổ trợ tương hỗ không có yếu tố cạnh tranh và đối kháng. Trước những biến động của nền kinh tế thế giới, khai thác thị trường xuất khẩu tiềm năng như Ukraine sẽ là cơ hội giúp doanh nghiệp Việt Nam "mở cửa" vào thị trường Đông Âu, đồng thời cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Ukraine mở rộng thị trường tại khu vực Đông Nam Á.
Theo Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), năm 2011, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam- Ukraine đạt gần 300 triệu USD, trong đó chủ yếu là nhóm hàng nông lâm thủy hải sản như gạo, cà phê, chè, các mặt hàng thủy sản, các sản phẩm ngành dệt may, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ, các loại hàng đồ gỗ…
Tại hội thảo “Tiếp cận thị trường tiềm năng Ukraine” do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 25/9, bà Lê Hoàng Oanh- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại- cho biết, mặc dù hai nước đã ký kết trên 20 hiệp định về hợp tác kinh tế- thương mại gồm có nhiều lĩnh vực quan trọng như vận tải biển, vận chuyển hàng không, văn hóa, giáo dục và khoa học, khuyến khích bảo vệ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần... nhưng kim ngạch hai chiều còn ở mức thấp.
Về đầu tư, Ukraine đã đầu tư vào Việt Nam với nhiều dự án. Hết năm 2011, các nhà đầu tư Ukraine có 10 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 23,273 triệu USD, đứng thứ 59 trong tổng số 92 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Đến nay, Ukraine đã đầu tư vào 6 trên tổng số 21 ngành theo hệ thống phân ngành của Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực vận tải kho vận đứng thứ nhất với 1 dự án; tiếp theo là công nghiệp chế biến, chế tạo 2 dự án; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ 3 dự án... Các nhà đầu tư Ukraine đầu tư vào hai hình thức là hình thức liên doanh và hình thức 100% vốn nước ngoài trong đó 6 dự án liên doanh và 4 dự án 100% vốn nước ngoài. Ngược lại Việt Nam cũng đã có 5 dự án đầu tự tại Ukraine với tổng vốn đầu tư là 2.987.395 USD.
Ông Hoàng Dương Minh- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu- cho rằng, Việt Nam chưa chiếm được vị trí quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu của Ukraine, trong khi quy mô xuất nhập khẩu của Ukraine đối với những loại hàng hóa thuộc nhóm hàng hóa chiến lược của Việt Nam lại gia tăng ổn định.
Nguyên nhân dẫn tới thực trạng này là do các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang chú ý tới các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản... vì những thị trường này có những thuận lợi khi giao thương như: hệ thống pháp luật, vận chuyển…Còn đối với thị trường Ukraine, các doanh nghiệp gặp phải hàng loạt những bất cập như bất đồng ngôn ngữ, nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng chưa nắm được, thiếu thông tin về hệ thống pháp luật… Bên cạnh đó, Ukraine còn đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách cho giao thương, đặc biệt là thủ tục cấp Visa vào Ukraine.
Hiện tại, giữa Việt Nam và Ukraine chưa có được hệ thống thanh toán quốc tế thuận lợi cho các doanh nghiệp giao thương. Đây cũng là một trong những trở ngại khiến doanh nghiệp Việt Nam ngại thâm nhập thị trường này.
Ông Vũ Thế Hoàng- Giám đốc Công ty TNHH N-M Ukraine, Trưởng đại diện tại Việt Nam- cho biết, trong thực tế, các doanh nghiệp bị mất rất nhiều thời gian cho giai đoạn đầu tiên khi triển khai kế hoạch thâm nhập khu vực thị trường mới ở nước ngoài. Vì thế, để bỏ qua các giai đoạn thăm dò thị trường rất tốn kém và mất nhiều thời gian, nhiều doanh nghiệp đã hợp tác với trung tâm xúc tiến thương mại nằm tại khu vực thị trường ở nước sở tại tiến hành công tác quảng bá sản phẩm của mình trực tiếp trao đổi với khách hàng để đi đến thiết lập các quan hệ buôn bán lâu dài. Đây là một trong phương thức tiếp cận thị trường hữu hiệu đối với kế hoạch mở rộng thị trường tại nước ngoài.





Thu Phương

Theo cohoigiaothuong.com.vn