Cơ hội giao thương - Hội chứng tôm chết sớm (EMS) và dịch bệnh tại nhiều vùng nuôi tôm chính trên cả nước vẫn chưa được giải quyết, rào cản dư lượng Ethoxyquin tại thị trường Nhật Bản chưa được tháo gỡ và nguy cơ bị đánh thuế hai lần ở thị trường Mỹ... sẽ tiếp tục là những trở ngại mà ngành tôm Việt Nam sẽ phải đối mặt trong năm 2013.






Hội chứng tôm chết sớm (EMS) và dịch bệnh tại nhiều vùng nuôi tôm chính trên cả nước vẫn chưa được giải quyết, rào cản dư lượng Ethoxyquin tại thị trường Nhật Bản chưa được tháo gỡ và nguy cơ bị đánh thuế hai lần ở thị trường Mỹ... sẽ tiếp tục là những trở ngại mà ngành tôm Việt Nam sẽ phải đối mặt trong năm 2013.
Thách thức về dịch bệnh
Tình hình dịch bệnh trên tôm (cả tôm sú và thẻ chân trắng) thật sự sẽ là thách thức lớn đối với người nuôi trên cả nước trong năm 2013. Ông Flavio Corsin – Quản lý Việt Nam; Quản lý chương trình thủy sản và gia vị thực phẩm của Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan (IDH) cho biết: “Ngành tôm nuôi Việt Nam hiện vẫncòn bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Các nguyên nhân của Hội chứnghoại tử gan tụy cấp tính(AHNS) hay Hội chứng tôm chết sớm (EMS) vẫn chưa được tìm hiểu rõ và vẫn còn ảnh hưởng đến một số hộ nuôi, chủ yếu ở ĐBSCL”.
Bộ Nông nghiệp &Phát triển nông thôn đã có những lực kiểm soát sự bùng phát dịch bệnh, nhưng hiện nay vẫn có ít hiểu biết về nguồn gốc, nguyên nhân và biện pháp kiểm soát dịch bệnh này, làm cho đờisống của người nuôikhá khó khăn”, ông Flavio cho biết thêm.
Với tình hình dịch bệnh chưa được đẩy lùi, nhiều chuyên gia dự báo, nguồn tôm nguyên liệu sẽ tiếp tục thiếu trầm trọng, gây khó cho các nhà máy chế biến xuất khẩu tôm.
Bên cạnh đó, còn có thêm một vấn đề lo ngại khác là hiện nay nhiều thương lái âm thầm thu gom tôm nguyên liệu để xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Tình trạng này chắc chắn sẽ còn diễn ra trong thời gian tới, khiến tình trạng thiếu tôm ở ĐBSCL càng căng thẳng hơn.
Vướng mắc Ethoxyquin
Có thể nói, Nhật Bản là thị trường quan trọng khi chiếm đến 27,7% tổng kim ngạch của xuất khẩu tôm Việt Nam. Trong 11 tháng đầu năm 2012, Nhật Bản đã trở thành thị trường nhập khẩu hàng đầu của tôm Việt Nam với giá trị đạt hơn 571 triệu đô la, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 6 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản tăng trưởng mạnh, nhưng từ khi nước này dựng lên rào cản Ethoxyquin đối với tôm Việt Nam thì giá xuất khẩu tôm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, liên tục sụt giảm từ 1,5 – 16,6%. Cụ thể, tháng 7 giảm 1,4% (52,9 triệu đô la), tháng 8 giảm 16,6 (54,2 triệu đô la), tháng 9 giảm 9,2% (57,6 triệu đô la), tháng 10 giảm 15,8% (67,5 triệu đô la) và tháng 11 giảm 5,3% (63,8 triệu đô la).
Kể từ khi Nhật Bản áp rào cản vô lý, thiếu cơ sở khoa học về mức dư lượng Ethoxyquin 0,01 ppm đối với tôm nhập khầu từ Việt Nam tính đến nay cũng đã được hơn nửa năm, nhưng cho đến nay vẫn chưa thực sự có biện pháp hữu hiệu để tháo gỡ “nút thắt” này.
Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, nếu vấn đề chất Ethoxyquin không sớm được giải quyết, giá tôm trong năm 2013 sẽ tiếp tục giảm thêm từ 30.000 – 50.000 đồng/kg chứ không dừng lại như hiện nay.
Bên cạnh đó, thêm một thách thức nữa cho xuất khẩu tôm nước ta chính là việc ngày càng mất thế cạnh tranh so với các nước như Thái Lan, Indonesia, Ecuador, Ấn Độ… bởi giá thành sản xuất quá cao, tỷ lệ nuôi thành công thấp, chỉ đạt từ 30 - 40%. Chẳng hạn như, tôm Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản với giá bán 11,2 USD/kg, trong khi đó tôm Ấn Độ xuất khẩu sang thị trường này chỉ ở mức 8,6 USD/kg.
Nguy cơ bị đánh thuế 2 lần tại Mỹ
Không chỉ sụt giảm tại thị trường Nhật, hai thị trường xuất khẩu tôm lớn khác của Việt Nam là Mỹ và EU hầu như cũng giảm liên tục. Riêng thị trường EU, do tác động của suy thoái kinh tế, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này 11 tháng đầu năm 2012 giảm sâu đến 24,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong 11 tháng đầu năm cũng giảm đến 15,6% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 425 triệu đô la do cung vượt cầu và tiêu thụ chậm. Dự báo trong thời gian tới nhu cầu tôm tại thị trường Mỹ cũng ít có khả năng tăng do dự trữ mặt hàng này vẫn còn khá nhiều.
Không chỉ đối mặt với nhu cầu thấp từ thị trường Mỹ bởi cung vượt cầu và suy thoái kinh tế toàn cầu, tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2013 còn có nguy cơ đối mặt với việc bị áp cả 2 loại thuế là bán phá giá và bán trợ cấp.
Cuối tháng 12/2012 Liên minh Khai thác tôm Mỹ (Coalition of Gulf Shrimp Industries – COGSI) đã đệ đơn lên Bộ Thương mại Mỹ (DOC) kiện chống trợ cấp đối với tôm nước ấm nhập khẩu từ Việt Nam và 6 nước khác là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ecuador, Ấn Độ và Trung Quốc với lý do nghi ngờ tôm nhập khẩu từ các nước này nhận các khoản trợ cấp không chính đáng từ chính phủ.
Theo đó, Chính phủ Mỹ sẽ điều tra tại sao giá tôm của 7 nước trên khi nhập khẩu vào thị trường Mỹ lại thấp hơn giá của các doanh nghiệp nội địa. Đối với Việt Nam, Mỹ có thể sẽ xem xét 14 nội dung mà Mỹ nghi ngờ chính phủ có trợ cấp đối với ngành tôm.
Đến thời điểm hiện nay, mặc dù chưa có bất cứ trả lời chính thức nào từ phía DOC là có hay không việc tiếp nhận đơn kiện chống trợ cấp của COGSI đối với tôm nước nhập khẩu từ Việt Nam và 6 nước trên. Nhưng nếu trong tình huống xấu nhất có thể xảy ra là Chính phủ Mỹ đưa ra kết luận, tôm Việt Nam bán theo giá được trợ cấp thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thật sự gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang Mỹ vì khi đó con tôm bị áp cả 2 loại thuế là bán phá giá và bán trợ cấp. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng sẽ phải tiêu tốn một khoản chi phí đáng kể để theo đuổi vụ kiện.
Khép lại năm 2012 với những khó khăn chồng chất, số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu tôm chỉ đạt 2,25 tỷ đô la, thấp hơn so với mục tiều 2,4 tỷ đô la đã đặt ra.


Sao Mai

Theo cohoigiaothuong.com.vn