Cơ hội giao thương - Trong những năm gần đây, các nước châu Phi là những đối tác thương mại có nhiều tiềm năng của Việt Nam.






Trong những năm gần đây, các nước châu Phi là những đối tác thương mại có nhiều tiềm năng của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là dệt may, dầu thô, giày dép, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, cà phê, gạo, hạt tiêu, cao su, thủy sản…
Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm có xăng dầu, máy móc, thiết bị phụ tùng, sắt thép, phân bón, chất dẻo nguyên liệu, sợi, hóa chất nguyên liệu, vải, nguyên phụ liệu dệt may, da giày…
Hàng năm các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hạt điều thô từ châu Phi khoảng 300.000 tấn, kim ngạch nhập khẩu hơn 300 triệu USD. Chỉ riêng với Công ty CP Chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco), mỗi năm nhập khoảng 20.000 tấn hạt điều. Công ty này đã nhập khẩu hạt điều thô nguồn gốc châu Phi từ năm 1998, nhưng nhiều nhất là từ các nước Tây Phi như Ivorry Coast, Ghana, Nigeria, Benin, Guinea Bisau, Mozambique, Tazania… Do việc nhập khẩu hạt điều trực tiếp với doanh nghiệp ở châu Phi gặp nhiều khó khăn nên doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu thông qua các doanh nghiệp mua bán trung gian ở Singapore, Ấn Độ, châu Âu… Có ba khó khăn chính đối với các doanh nghiệp hiện nay, đó là:
Thứ nhất, nhiều nước châu Phi chưa có đại sứ quán, tham tán thương mại tại Việt Nam và ngược lại. Khi xin visa, các doanh nghiệp Việt Nam phải sang một quốc gia thứ ba.
Thứ hai, trở ngại lớn nhất giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các nước châu Phi là vấn đề thanh toán trong thương mại. Hầu hết những quốc gia xuất khẩu hạt điều ở châu Phi không có chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam và ngân hàng Việt Nam cũng không có quan hệ với ngân hàng các nước đó. Do vậy, việc thanh toán trong mua bán, doanh nghiệp ở châu Phi không chấp nhận phương thức thanh toán bằng L/C từ ngân hàng Việt Nam và ngược lại.
Thứ ba, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều ở châu Phi đều là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp này chọn phương thức thanh toán bằng tiền mặt hoặc thanh toán trả trước khi giao hàng. Điều này là khó thực hiện được đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Trước tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Chiểu – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến hàng xuất khẩu Long An – cho biết: Công ty này hiện đang đề nghị ngân hàng Việt Nam và châu Phi giúp thực hiện phương án gạo Việt Nam đổi hạt điều châu Phi. Lafooco hiện đang làm đầu mối thực hiện phương án 100.000 tấn gạo Việt Nam đổi điều châu Phi với tổng giá trị tương ứng. Phương thức cụ thể mà doanh nghiệp đưa ra là Công ty sẽ ký hợp đồng nhập khẩu hạt điều với một doanh nghiệp châu Phi, đồng thời ký một hợp đồng khác với chính doanh nghiệp đó xuất khẩu gạo giá trị tương đương với giá trị nhập khẩu hạt điều, phương thức thanh toán L/C thông qua một ngân hàng. Như vậy, việc thanh toán sẽ đơn giản và an toàn hơn cho ngân hàng cũng như cả hai doanh nghiệp trong thương vụ. Để thực hiện được phương án này, theo ông Nguyễn Văn Chiểu, cần phải có sự hỗ trợ của ngân hàng hai nước châu Phi và Việt Nam.




Thúy Ngọc

Theo cohoigiaothuong.com.vn