Cơ hội giao thương - Ngày 28/12/2012, Liên hiệp công nghiệp tôm vùng Vịnh (COGSI) đã đệ trình Chính phủ Mỹ đơn kiện đòi áp thuế chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ 7 nước Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.






Ngày 28/12/2012, Liên hiệp công nghiệp tôm vùng Vịnh (COGSI) đã đệ trình Chính phủ Mỹ đơn kiện đòi áp thuế chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ 7 nước Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
Động thái này của COGSI được xem như lời “tuyên chiến” với các nước cung cấp tôm chính vào thị trường Mỹ.
Nguyên đơn là ai?
COGSI là tổ chức do Hiệp hội chế biến tôm Mỹ chủ trì, có trụ sở tại bang Louisiana, được đăng ký thành lập vào tháng 8/2012 với nhiệm vụ tiến hành vụ kiện chống trợ cấp tôm nhập khẩu, đồng thời “hành động vì sự tồn tại lâu dài của ngành công nghiệp tôm vùng Vịnh”.
COGSI bao gồm 28 thành viên, là các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh tôm đứng tên trong đơn kiện, thuộc 6 bang ven biển phía nam Mỹ là Alabama (5 doanh nghiệp), Florida (1), Georgia (1), Louisiana (13), Mississippi (6) và Texas (2). Theo tính toán của COGSI, các doanh nghiệp này chế biến hơn 90% tổng sản lượng tôm nội địa của Mỹ.
Mặc dù bên nguyên đơn không bao gồm những người sản xuất tôm (ngư dân), nhưng linh cảm thấy lợi ích mà vụ kiện có thể mang lại, do đó ngay khi Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) vừa công bố phiếu thu thập thông tin trên Công báo Liên bang ngày 4/1/2013, Liên minh tôm miền nam nước Mỹ (SSA) cũng đã vội vàng lên tiếng kêu gọi các thành viên của mình ủng hộ cho vụ kiện này.
Khởi kiện vì đâu?
Hiện, có hơn 120 nước xuất khẩu tôm và sản phẩm tôm sang thị trường Mỹ, nhưng COGSI chỉ kiện 7 nước bởi theo tính toán của họ, trong năm 2011, 7 nước này đã xuất khẩu tôm vào Mỹ với giá trị đạt 4,3 tỷ USD, chiếm 85% tổng nhập khẩu tôm của Mỹ và chiếm hơn 3/4 về thị phần tại Mỹ.
Theo lập luận của COGSI, từ năm 2009 đến nay, các nước bị kiện đã dành một khoản trợ cấp lên đến 13,5 tỷ USD cho lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy sản, trong đó ngành tôm được hưởng lợi lớn nhất để hạ giá bán tôm vào Mỹ nhằm chèn ép thị phần tôm nội địa và hạ giá thị trường nói chung.
Vì vậy mà nếu như cách đây 20 năm, tôm nội địa Mỹ chiếm hơn 80% thị phần tôm tiêu thụ tại Mỹ, thì nay chỉ còn chưa tới 10%. Đồng thời, giá tôm từ năm 2000 đến nay cũng liên tục giảm.
COGSI đã liệt kê hơn 100 chính sách của các nước xuất khẩu mà họ cho là trợ cấp bất hợp pháp. Và theo quan điểm của Giám đốc điều hành COGSI, C. David Veal: “Nộp đơn hôm nay chính là đảm bảo sự sống còn cho toàn bộ ngành công nghiệp tôm của Mỹ”.
Chiêu thức bảo hộ
Trong quan hệ thương mại quốc tế, mặc dù bị nhiều hiệp định và luật lệ ngăn cản, nhưng nước nào cũng muốn tìm cách dựng rào cản để bảo hộ nền sản xuất trong nước, đặc biệt là trong những bối cảnh nhất định khiến một ngành sản xuất trong nước nguy cơ yếu thế, hay khi kinh tế suy thoái...
Các biện pháp bảo hộ hay được sử dụng nhất chính là các rào cản kỹ thuật như: an toàn vệ sinh thực phẩm (kéo dài danh mục, hạ thấp mức giới hạn dư lượng các vi sinh vật, hóa chất, kháng sinh bị cấm), đánh thuế chống bán phá giá và trợ giá. Đồng thời, cũng có những hình thức tinh vi, xảo quyệt hơn được che đậy bằng những mục tiêu hết sức lành mạnh như bảo vệ môi trường, nguồn lợi, bảo vệ quyền lợi của người lao động và cộng đồng dân cư...
Còn nhớ, vào thời điểm tương tự cách đây 9 năm, ngày 31/12/2003, SSA cũng đã đệ đơn kiện đòi áp thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ 6 nước Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Brazil và Việt Nam. Đó là vụ kiện chống bán phá giá lớn nhất đối với ngành tôm cho đến lúc đó. Như vậy, ngoại trừ Indonesia và Malaysia, các nhà xuất khẩu tôm của 5 nước còn lại hiện đang bị áp thuế chống bán phá giá một cách vô lý suốt từ năm 2005 đến nay.
Và với vụ kiện lần này, một lần nữa các nước xuất khẩu tôm nói trên lại đứng trước thêm nguy cơ có khả năng bị áp cả hai loại thuế là bán phá giá và bán trợ cấp khi xuất khẩu tôm sang Mỹ.
Phản ứng từ các bị đơn
Trên Business Standard (tờ nhật báo tiếng Anh của Ấn Độ), Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Thủy sản Ấn Độ (SEAI), Ravi Reddy cho biết: “Chúng tôi sẽ mời các luật sư giỏi nhất để đấu tranh chống trong vụ kiện này”.
Sau Ấn Độ, Ecuador cũng chính thức lên tiếng phản đối vụ kiện từ phía COGSI. Trên Undercurrentnews.com, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi trồng Thủy sản Ecuador, Antonio Camposano khẳng định: “Hiệp hội đang tiến hành mọi biện pháp để đảm bảo có một sự bảo vệ thích hợp cho ngành tôm của Ecuador”.
Còn trên tờ Bangkok Post, Thái Lan lập luận rằng, tôm nuôi luôn luôn rẻ hơn so với tôm khai thác, vì vậy ngư dân vùng Vịnh của Mỹ đang cố tình so sánh “táo với cam”.
Theo sau Thái Lan, Indonesia cũng đã bắt đầu sẵn sàng giải trình cho vụ kiện chống trợ cấp. Trên tờ Jakarta Post, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Tiếp thị Thủy sản Indonesia, Thomas Darmawan cho biết, 13 công ty Indonesia sẽ cung cấp toàn bộ thông tin cho ITC theo yêu cầu. Ông Thomas Darmawan cũng cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ gửi những dữ liệu liên quan gồm số liệu xuất khẩu và lương tối thiểu hàng năm. Chúng tôi đang cố gắng hợp tác bằng cách tuân thủ tất cả các quy trình”.
Việt Nam kiên quyết phản đối
Ngày 18/1/2013, DOC đã chính thức tuyên bố khởi xướng và tiến hành điều tra vụ kiện chống trợ cấp đối với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo đó, DOC sẽ tiến hành lựa chọn các bị đơn bắt buộc của Việt Nam căn cứ vào các số liệu thống kê của Hải quan Mỹ và sẽ cho công bố trong thời gian tới.
Ngay sau đó, ngày 19/1/2013, VASEP cũng đã có Thông cáo báo chí phản đối việc DOC chấp nhận đơn kiện của COGSI và tiến hành điều tra vụ kiện với những cáo buộc không hợp lý, thiếu cơ sở, gây ảnh hưởng đến các nhà sản xuất và xuất khẩu tôm Việt Nam, các nhà nhập khẩu Mỹ và người tiêu dùng Mỹ, tác động tiêu cực đến quan hệ thương mại song phương Việt – Mỹ.
VASEP cho rằng, việc DOC ra quyết định khởi kiện và nếu một mức thuế chống trợ cấp nhất định được thông qua sẽ là một đòn nghiêm trọng đánh vào không chỉ các doanh nghiệp nhập khẩu và chế biến tôm của Mỹ, mà còn ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của nhiều triệu nông dân, các doanh nghiệp chế biến tại 7 nước có liên quan tới vụ kiện, trong đó có Việt Nam.
Vụ kiện này là một hình thức cạnh tranh không lành mạnh và thiếu cơ sở, vì COGSI lợi dụng cơ chế pháp lý để làm tăng giá thành, giảm nhu cầu tôm nhập khẩu, giảm lợi thế cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ. COGSI chỉ đại diện cho ngành khai thác tôm Mỹ, hiện chỉ đáp ứng cho khoảng 10% nhu cầu tiêu thụ tôm của nước này, 90% nhu cầu tôm của người Mỹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Vì vậy, việc COGSI đại diện cho số ít ỏi 10% nguồn cung cấp tôm tại Mỹ khởi xướng vụ kiện chống lại tôm nhập khẩu (cung ứng 90% nhu cầu cho người tiêu dùng Mỹ) là bất hợp lý.
Cáo buộc của COGSI liên quan đến giá của hai loại sản phẩm là tôm khai thác trong nước và tôm nuôi nhập khẩu đã thể hiện rõ sự so sánh và lập luận thiếu logic và cơ sở khoa học. Điều kiện sản xuất tôm nuôi và tôm khai thác hoàn toàn khác nhau, vụ mùa và nguồn cung cấp khác nhau, vì vậy giá có sự chênh lệch là tất yếu.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, VASEP có đủ bằng chứng chứng minh ngành tôm Việt Nam không nhận trợ cấp từ Chính phủ theo như cáo buộc của COGSI. Tuy nhiên, đối với vụ kiện chống trợ giá này thì vai trò của Chính phủ, cơ quan chính quyền rất quan trọng trong việc quyết định sự thành bại. Vì việc trợ giá gắn liền với một loạt chính sách của Chính phủ, bộ, ban ngành áp dụng lên toàn bộ nền kinh tế, trong đó có ngành tôm. Khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) điều tra, nếu Chính phủ đứng ra chứng minh không hề có sự trợ giá nào cho doanh nghiệp tôm trong nước thì chắc chắn thuyết phục hơn.



Sao Mai

Theo cohoigiaothuong.com.vn