Cơ hội giao thương - Là thị trường có sức tiêu thụ hàng hóa vào loại nhất thế giới, Hoa Kỳ luôn là mục tiêu giao thương quan trọng của nhiều quốc gia, thậm trí xuất khẩu được sản phẩm sang Hoa Kỳ coi như “kỳ tích”. Tuy nhiên, đằng sau “kỳ tích” đó có nhiều vấn đề cần bàn.






Là thị trường có sức tiêu thụ hàng hóa vào loại nhất thế giới, Hoa Kỳ luôn là mục tiêu giao thương quan trọng của nhiều quốc gia, thậm trí xuất khẩu được sản phẩm sang Hoa Kỳ coi như “kỳ tích”. Tuy nhiên, đằng sau “kỳ tích” đó có nhiều vấn đề cần bàn.
Tại trang web của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một bảng thống kê 436 vụ giải quyết tranh chấp trong WTO từ năm 1995 đến 2012. Theo đó, Hoa Kỳ có 94 vụ là nguyên đơn (khiếu kiện), 110 vụ là bị đơn. Nhật Bản- nước có môi trường kinh doanh tốt, xếp hạng ngang ngửa với Hoa Kỳ- “hiền hòa” hơn với 13 lần đứng nguyên đơn, 15 lần là bị đơn. Nền kinh tế lớn như Trung Quốc cũng chỉ 7 lần khiếu kiện, 18 lần bị kiện. Toàn bộ Liên minh châu Âu có 82 lần là nguyên đơn, 70 lần là bị đơn- cũng không “sánh kịp” với Hoa Kỳ trong số lượng các vụ kiện tụng.
Lợi dụng Luật Thương mại là “tuyệt chiêu” để cạnh tranh tại Hoa Kỳ. Nhiều đối tác luôn thấp thỏm, phòng bị vì nhiều nhà sản xuất Hoa Kỳ thường bất ngờ đâm đơn kiện, khiến đối phương không kịp trở tay- đó là nhận định của tiến sĩ Peter John Koenig, đại diện một hãng luật ở chính Washington.
Ngày 18/1/2013, 20 ngày sau khi bất ngờ kiện ngành tôm nước ấm tại 7 quốc gia, lá đơn “thống thiết” của Liên minh Tôm vùng vịnh (COGSI) đã được Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) chấp thuận và bắt đầu tiến hành điều tra. Cỗ máy cạnh tranh thông qua kiện tụng kết hợp khá nhịp nhàng với “chiêu” bảo hộ gắn nhãn của Luật Thương mại Hoa Kỳ đã bắt đầu vận hành.
Thậm chí, tại Hoa Kỳ, người ta còn tổ chức thăm dò thị trường với dòng tít: “Bạn đã mua tôm nhập khẩu trong tháng vừa qua?” thông qua internet. Song, điều đáng nói là kết quả thật bất ngờ khi trong số 1.036 người được hỏi thì có tới 585 người trả lời: “Không bao giờ mua tôm nhập khẩu”, 275 người trả lời “không”, tương đương với 82% người dân Hoa Kỳ không “xài” tôm nhập khẩu. Kết quả này rõ ràng là trái ngược với báo cáo của chính COGSI khi họ “nức nở” trình bày trong đơn rằng: “Nếu như cách đây 20 năm, tôm nội địa chiếm hơn 80% thị phần tiêu thụ tại Hoa Kỳ thì nay chỉ còn chưa tới 10%” và vì thế nên họ sắp bị “tuyệt chủng”!
Vậy, đâu là sự trung thực, đâu là điều bịa đặt? Chưa thể có câu trả lời chính xác. Nhưng có một câu trả lời chắc chắn: Nếu COGSI thắng kiện, thiệt thòi nhất chính là người tiêu dùng Hoa Kỳ khi phải trả giá cao cho các món chế biến từ tôm- loại thực phẩm rất được ưa chuộng tại quốc gia này.



Quốc Cường

Theo cohoigiaothuong.com.vn