Cơ hội giao thương - Diễn đàn kinh doanh có trách nhiệm về nông nghiệp và lương thực lần 2 với chủ đề “Asean 2015-Hợp tác vì sự phát triển công bằng” diễn ra ngày 23/6 đã tập trung thảo luận về những thách thức và cơ hội phát triển các hệ thống lương thực bền vững và vai trò của ASEAN trong việc cung cấp lương thực cho khoảng 9 tỷ dân thế giới vào năm 2050.






Diễn đàn kinh doanh có trách nhiệm về nông nghiệp và lương thực lần 2 với chủ đề “Asean 2015-Hợp tác vì sự phát triển công bằng” diễn ra ngày 23/6 đã tập trung thảo luận về những thách thức và cơ hội phát triển các hệ thống lương thực bền vững và vai trò của ASEAN trong việc cung cấp lương thực cho khoảng 9 tỷ dân thế giới vào năm 2050.
Với chủ đề ‘Khu vực ASEAN sau năm 2015: Hợp tác vì Sự Phát triển Bình đẳng’, các khách mời tham dự diễn đàn đã thảo luận về lợi ích của mối quan hệ hợp tác công tư, với quan điểm, phát triển nông nghiệp bền vững trong khu vực Đông Nam Á là nhiệm vụ phải thực hiện và là trách nhiệm chia sẻ giữa các quốc gia.
Ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, trong quá trình phát triển kinh tế quốc tế nói chung ,các hộ nông dân và DNVVN là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, vì vậy, cần phải có chương trình hành động để các hộ nông dân và các DNVVN có thể tham gia quá trình này. Một mặt cần phải hỗ trợ nâng cao năng lực của các doanh nghiệp (DN) nghiệp lớn và có chính sách tương thích để các DN lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, mặt khác, rất cần những chương trình hướng dẫn trợ giúp cho các hộ nông dân và các DNVVN có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tổng Giám đốc Điều hành tổ chức CropLife Châu Á – Tiến sỹ Tan Siang Hee băn khoăn, tại Hà Lan thu nhập người nông dân đạt 60 nghìn USD/năm, tại Úc con số này là 56 nghìn USD/năm, trong khi trung bình các nước khu vực Asean chỉ đạt 1 nghìn USD/năm. Để nâng cao năng suất để từ đó nâng cao thu nhập của người nông dân khu vực Asean lên cần hỗ trợ người nông dân để họ có thể tham gia chuỗi giá trị. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất ở đây là vấn để các chính sách chung Asean đưa ra gặp phải rào cản chủ quyền quốc gia nên việc thực hiện là rất thấp.
Về vấn đề này, theo Tiến sỹ Đặng Kim Sơn- Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN &PTNT), Asean là cộng động có thế mạnh đáng kể về nông nghiệp, mặt khác, Asean cũng là thị trường rất lớn trong nội khối buôn bán nông sản, chính vì vậy, việc hiện thực hóa cộng đồng Asean trong thời gian tới sẽ mở ra một lợi thế rất mạnh cho sản xuất nông nghiệp trong vùng và cho nông dân nói chung. Tuy nhiên, bản thân trong Asean có những vấn đề cần xử lý như làm thế nào giảm bớt hàng rào bảo vệ, thông thoáng về thương mại trong nội khối, phải xử lý hài hòa yêu cầu chính trị trong nước với lợi ích toàn khối. Đây là một thách thức mà nếu giải quyết được thách thức này thì sức mạnh của Asean sẽ tăng lên gấp bội.
Theo Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Lê Quốc Doanh,thách thức lớn đặt ra cho Việt Nam và các nước Asean là đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thế giới theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững. Để giải quyết vấn đề này, các quốc gia trong khối cần đẩy mạnh hơn nữa phát triển mô hình hợp tác công tư (PPP). Tại Việt Nam, Bộ NN & PTNT đã khởi động chương trình PPP từ năm 2011 với sự 16 công ty đa quốc gia, trên 7 lĩnh vực cà phê, chè, thủy sản, hạt tiêu, hàng hóa chung và tài chính nông nghiệp.
Hy vọng qua diễn đàn, các doanh nghiệp sẽ tăng cường hợp tác qua mô hình. Mối liên kết này sẽ gia tăng đáng kể sản lượng nông nghiệp, đảm bảo an ninh lượng thực, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của nông sản ASEAN trên thị trường thế giới”- Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.

Hạnh Liên

Theo cohoigiaothuong.com.vn