Cơ hội giao thương - Bộ Thương mại Mỹ ngày 14/3 đã ra phán quyết đối với việc lựa chọn nước thứ ba để tính thuế chống bán phá giá đối với cá tra, cá ba sa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Nước thứ ba Bangladesh sẽ được thay thế bằng Indonesia.






Bộ Thương mại Mỹ ngày 14/3 đã ra phán quyết đối với việc lựa chọn nước thứ ba để tính thuế chống bán phá giá đối với cá tra, cá ba sa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Nước thứ ba Bangladesh sẽ được thay thế bằng Indonesia.
Từ quyết định trên, thuế suất đánh vào mặt hàng cá tra, cá ba sa phi lê đông lạnh của các doanh nghiệp Việt Nam đều tăng hàng chục lần, từ mức chỉ vài xu/kg lên tới vài chục xu hay vài USD/kg.

Cũng trong công bố trên của Bộ Thương mại Mỹ, doanh nghiệp Vĩnh Hoàn, đơn vị có doanh số lớn nhất về xuất khẩu cá tra, cá ba sa vào thị trường Mỹ, từng được hưởng thuế suất 0%, tới đây sẽ phải chịu mức thuế 0,19 USD/kg. Mười sáu doanh nghiệp khác của Việt Nam, trong đó có Bình An, Hùng Vương, Cadovimex, Anvifish, Docifish..., cùng xuất khẩu mặt hàng tương tự, sẽ phải chịu các mức thuế cao hơn, từ 0,77-3,87 USD/kg.

Việc thay đổi nước thứ ba làm căn cứ tính thuế chống bán phá giá của Bộ Thương mại Mỹ nằm trong đợt xem xét hành chính lần thứ tám mang tính thường niên của cơ quan này đối với cá tra, cá ba sa của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ. Trước khi có đợt xem xét nói trên, Hiệp hội các nhà nuôi trồng cá da trơn ở Mỹ vốn bị mất thị trường ngay tại Mỹ đã thông qua quốc hội nước này tạo sức ép với chính quyền nhằm gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong năm 2012, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cá tra, cá ba sa phi lê đông lạnh trị giá 358 triệu USD vào Mỹ, biến nước này trở thành thị trường lớn thứ hai của Việt Nam. Trong khi đó, diện tích nuôi trồng cá da trơn ở Mỹ giảm xuống còn một nửa, từ khoảng 67.000ha xuống còn 33.000ha.

Dự kiến, quyết định nói trên của Bộ Thương mại Mỹ sẽ có hiệu lực trong tuần sau và kéo dài cho tới đầu năm 2014, khi cơ quan này tiến hành đợt xem xét hành chính tiếp theo.


(Theo VNplus)

Theo cohoigiaothuong.com.vn