Cơ hội giao thương - Tính đến hết tháng 3/2013, các doanh nghiệp đăng ký hợp đồng xuất khẩu 3,57 triệu tấn gạo, trong đó lượng gạo đã giao là 1,45 triệu tấn, đạt kim ngạch 641,3 triệu USD, số còn lại sẽ thực hiện vào quý 2 tới đây.






Tính đến hết tháng 3/2013, các doanh nghiệp đăng ký hợp đồng xuất khẩu 3,57 triệu tấn gạo, trong đó lượng gạo đã giao là 1,45 triệu tấn, đạt kim ngạch 641,3 triệu USD, số còn lại sẽ thực hiện vào quý 2 tới đây.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lượng gạo xuất khẩu quý 1 năm nay mặc dù tăng tới 35,12%, trị giá FOB tăng 22,76% nhưng giá bình quân lại giảm tới 44,52 USD/tấn so với cùng kỳ. Giá gạo Việt Nam hiện đang được bán với giá thấp hơn so với gạo cùng phẩm cấp của các nước xuất khẩu gạo chủ lực trong khu vực khoảng 40 – 50 USD/tấn (gạo 5% tấm của Việt Nam chỉ có 395 USD/tấn; trong khi Ấn Độ, Pakistan lần lượt 430 và 445 USD, riêng Thái Lan 530 USD). Với mức giá này, có thể đánh giá gạo Việt Nam đang được bán với giá rẻ nhất thế giới.
Trong cuộc họp ngày 4.4, các doanh nghiệp cho rằng việc phải bán gạo giá thấp là do quý 1 năm nay nhu cầu nhập khẩu gạo sụt giảm, nhất là các hợp đồng tập trung hầu như không có (chỉ chiếm 10,55% sản lượng hợp đồng), doanh nghiệp phải ký hợp đồng thương mại cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác như Ấn Độ, Pakistan vốn có lợi thế tồn kho lớn, vận chuyển thuận tiện…
Từ năm 2012 trở về trước, khi nhiều quốc gia nhập khẩu gạo theo dạng hợp đồng tập trung, Chính phủ nước nhập khẩu thường chi tiền thông qua một số đầu mối để mua gạo và việc mua bán hoàn toàn dựa trên quan hệ ngoại giao thì tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã có được những hợp đồng rất lớn với giá cao theo dạng mua bán này và đến vụ, họ chỉ việc mua gạo nguyên liệu giao cho khách hàng mà ít quan tâm đến việc giao dịch, kỹ năng đàm phán hoặc tìm khách hàng thương mại. Từ đầu năm 2013, nhiều nước tăng cường mua gạo thông qua kênh thương mại đồng thời giao cho nhiều thành phần tham gia để mua được giá rẻ. Nguồn hợp đồng tập trung không còn, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước buộc phải tự tìm thị trường trong tình trạng hạn chế về năng lực đàm phán thương mại quốc tế (trình độ tiếng Anh, quan hệ, giao tiếp, uy tín…) nên hiệu quả các giao dịch rất thấp và thường bị khách hàng ép giá.




(Theo Báo SGTT)

Theo cohoigiaothuong.com.vn