Cơ hội giao thương - Mức thuế chống bán phá giá (CBPG) cao gấp 20 – 45 lần mà Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa áp cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam trong đợt xem xét thuế CBPG lần thứ 8 (POR8) (giai đoạn từ 1/8/2010 – 31/7/2011) đã ảnh hưởng rất nhiều đến mặt hàng cá tra xuất khẩu vào thị trường Mỹ, tuy nhiên, không hẳn cơ hội vào thị trường này đã hết...






Mức thuế chống bán phá giá (CBPG) cao gấp 20 – 45 lần mà Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa áp cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam trong đợt xem xét thuế CBPG lần thứ 8 (POR8) (giai đoạn từ 1/8/2010 – 31/7/2011) đã ảnh hưởng rất nhiều đến mặt hàng cá tra xuất khẩu vào thị trường Mỹ, tuy nhiên, không hẳn cơ hội vào thị trường này đã hết...
Kẻ khóc người cười
Ngày 14/3/2013, khi kết quả cuối cùng của đợt POR8 đối với mặt hàng cá tra fillet đông lạnh của Việt Nam được công bố, DOC đã gây sốc cho 16 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam khi đưa ra mức thuế CBPG hoàn toàn trái ngược so với kết quả sơ bộ, cao hơn từ 20 – 45 lần so với mức thuế suất trung bình của POR7.
Điều đáng nói là, thuế CBPG chỉ được xem xét sau khi các lô hàng đã được xuất khẩu vào Mỹ được một năm. Đồng nghĩa với việc, dù có tiếp tục xuất khẩu nữa hay không, Công ty CP Vĩnh Hoàn, Hùng Vương và 14 doanh nghiệp khác vẫn phải trả một khoản tiền tương đương với mức thuế DOC đưa ra.
Với mức thuế mới bị áp là 0,19 USD/kg, Vĩnh Hoàn phải mất 35% lợi nhuận của cả năm 2012. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Hoàn đã giảm từ 364 tỷ đồng năm 2011 xuống chỉ còn 198 tỷ đồng vào năm 2012. Nếu phải đóng thuế thì Vĩnh Hoàn phải mất thêm khoảng 3,5 triệu USD (73,3 tỷ đồng). Như vậy, nếu tiếp tục xuất khẩu vào Mỹ, Vĩnh Hoàn vừa phải trả khoản tiền thuế cho những lô hàng đã xuất đợt trước và phải đóng thêm một khoản tiền thế chấp tương đương với mức thuế mới.
Tương tự như Vĩnh Hoàn, lợi nhuận ròng của Công ty CP Hùng Vương trong năm 2012 đạt 302,3 tỷ đồng, giảm 27,65% so với năm 2011. Trong khi đó, lợi nhuận thuần đạt chưa tới 65% kế hoạch của Đại hội Cổ đông giao. Bây giờ, Hùng Vương cũng phải đóng một khoản tiền không nhỏ vì mức thuế của Công ty này còn cao gấp 4 lần Vĩnh Hoàn.
Không chỉ có Vĩnh Hoàn và Hùng Vương, những doanh nghiệp mới “chân ướt chân ráo” xuất khẩu vào thị trường Mỹ cũng lo lắng với quyết định này. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 8 doanh nghiệp không bị áp thuế cao do những năm trước không xuất khẩu vào Mỹ.
Vẫn còn cơ hội
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Trương Đình Hòe: “Mặc dù kết quả POR8 quá xấu đối với các doanh nghiệp Việt Nam, cụ thể là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vì bản thân đợt xem xét lần này cũng chỉ là một đợt xem xét hành chính lần thứ 8 thôi, còn kỳ thứ 9 họ cũng đang tiến hành, do đó, khả năng đi tiếp của doanh nghiệp vẫn còn. Bên cạnh đó, còn có 8 doanh nghiệp không xuất bán cá tra vào Mỹ trong giai đoạn POR8 nên họ vẫn được chịu thuế suất thấp của kỳ POR7, từ 0 - 0,03 USD/kg), theo đó vẫn có cơ hội xuất khẩu vào Mỹ”.
Mới đây, ông Nguyễn Văn Ký, Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Thủy sản An Giang (Agifish) cho biết, Agifish vừa ký hợp đồng xuất khẩu 10.000 tấn cá tra (500 container), trị giá 36 triệu USD cho một số nhà nhập khẩu Mỹ, hợp đồng sẽ giao trong quý 2/2013. Điều đáng nói là, giá xuất khẩu lô hàng này tăng 12% (trung bình khoảng 3,52 USD/kg) so với thời điểm trước khi DOC công bố thuế CBPG đối với cá tra Việt Nam trong đợt xem POR8.
Ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch VASEP cho biết: Giá cá tra Việt Nam bán vào thị trường Mỹ đã tăng 0,3 - 0,4 USD/kg lên mức 3,56 USD/kg (cá loại thường) và 3,75 USD/kg (cá chất lượng cao). Như vậy, giá cá tra Việt Nam vào thị trường Mỹ đã tăng trên 10% so với thời điểm giữa tháng 3 khi DOC công bố mức thuế CBPG với cá tra Việt Nam trong đợt POR8.
Cũng theo ông Minh, bắt đầu từ tháng 4/2013, lượng xuất khẩu cá tra vào Mỹ sẽ tăng trở lại. Dự kiến, giá cá tra vào thị trường này sẽ còn tăng thêm 0,1 - 0,15 USD/kg vào quý 3/2013 khi nguồn cung trong nước thiếu hụt cũng như các loại cá khác bán vào Mỹ đã tăng giá. Rõ ràng điều này cho thấy, cơ hội cho cá tra Việt Nam vào Mỹ vẫn còn. Hơn thế nữa, đây còn là cơ hội để điều chỉnh lại thị trường và nâng giá bán cá tra trên thị trường này.
Ngoài ra, theo bà Bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng GĐ Công ty TNHH SX – TM - DV Thuận An (An Giang), các doanh nghiệp cũng phải biết đoàn kết lại và tìm thị trường khác nhằm tránh tồn động hàng hóa. Tuy nhiên, đây cũng là việc không hề đơn giản trong bối cảnh nhiều thị trường giảm sức mua do kinh tế khó khăn.



Sao Mai

Theo cohoigiaothuong.com.vn