Cơ hội giao thương - Chung đường biên dài 598km với 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Sơn La, tỉnh Hủa Phăn (Lào) có tới 11 cửa khẩu với Việt Nam (VN), trong đó 1 cửa khẩu quốc tế Na Mèo, 3 cửa khẩu phụ, còn lại là cửa khẩu quốc gia. Hủa Phăn là cửa ngõ thuận lợi cho phát triển thông thương, đặc biệt sôi động trong vài năm gần đây với các DN Việt.


Chung đường biên dài 598km với 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Sơn La, tỉnh Hủa Phăn (Lào) có tới 11 cửa khẩu với Việt Nam (VN), trong đó 1 cửa khẩu quốc tế Na Mèo, 3 cửa khẩu phụ, còn lại là cửa khẩu quốc gia. Hủa Phăn là cửa ngõ thuận lợi cho phát triển thông thương, đặc biệt sôi động trong vài năm gần đây với các DN Việt.
“Miền đất hứa” với DN Việt?

Giám đốc Sở Ngoại vụ Hủa Phăn - ông Khăm Sinh La Đa Vông - cho biết, gần đây có rất nhiều DN VN đến theo con đường du lịch hoặc thông qua các DN Việt đầu mối để tìm cơ hội kinh doanh: Năm 2011 chỉ có hơn 20 DN, tới đầu năm 2013 có 58 DN Việt chính thức đầu tư với tổng vốn ĐKKD gần 70 triệu USD.

Đáng chú ý là trong số 58 DN Việt chỉ có khoảng 30% xuất xứ từ Thanh Hóa, còn lại từ mọi miền tìm đến và có tới 26 đơn vị ĐKKD tại Lào. Lý do dễ hiểu là thành lập Cty tại Lào, DN sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như miễn thuế từ 3-5 năm đầu, miễn thuế toàn bộ cho XNK thu mua nông sản và nhập máy móc...

Ông Khăm Sinh cũng cho biết, Hủa Phăn chủ yếu nhập từ VN hàng tiêu dùng, VLXD, thuốc chữa bệnh, và xuất ngược lại hàng nông - lâm nghiệp như ngô, gỗ, khoáng sản... Năm 2012, tổng kim ngạch XNK 2 chiều qua cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa) khoảng 20 triệu USD, với Sơn La là 15 triệu USD, còn Nghệ An thì chủ yếu XNK tiểu ngạch thông qua hội chợ đường biên do hạn chế về giao thông về phía Lào, khó giao thương vào mùa mưa.

Với diện tích tự nhiên khoảng 17.000km2, dân số 290.000 người, không phải là thị trường tiêu dùng lớn nhưng Hủa Phăn đang có nhu cầu phát triển hạ tầng mạnh mẽ và đặc biệt giàu khoáng sản than, sắt, mangan, vàng, nhiều rừng tự nhiên. Hiện nay các DN Việt tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực thu mua chế biến nông sản, xây dựng, thủy điện và khai khoáng...

“Hầu hết DN VN qua đây đều trụ lại được và phát triển tốt”, là nhận xét của ông Lê Văn Hưng - chủ DN Hưng Phát. Hơn 20 năm lăn lộn trên đất Lào, ông Hưng bắt đầu kinh doanh nông sản từ những năm 1997 và đang mở rộng sang xây dựng. Hiện Hưng Phát đang xây dựng trường chính trị cao cấp, vốn đầu tư 67 tỉ đồng do VN tài trợ và trường do Bắc Ninh tài trợ 10 tỉ đồng không hoàn lại cho Hủa Phăn. “Những nhà to nhà đẹp, công trình lớn ở đây đều do người VN xây dựng” - ông Hưng tự hào và không giấu giếm ý định sẽ tiếp tục mở rộng địa bàn ra ngoài Hủa Phăn.

Ông Đàm Quang Lấn - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP 667, chủ đầu tư khai thác mỏ than tại bản Đon, huyện Sầm Nưa - cho biết, kể từ năm 2009 sau khi khoan thăm dò địa chất và giải phóng mặt bằng, năm 2012 là năm đánh dấu sự kiện Cty 667 nộp thuế cho Hủa Phăn với 100.000 tấn than đầu tiên xuất về VN tới cảng Nghi Sơn. Liên doanh Hung Alon Alatca do ông Nguyễn Quốc Nhân làm GĐ điều hành của mỏ than và mỏ vàng tại Sầm Nưa đã ký hợp đồng cùng khai thác và bao tiêu than với Tập đoàn Hoành Sơn (Hà Tĩnh), Hoàng Sơn (Hải Phòng). Quý II/2013, Hung Alon Alatca sẽ tiếp tục ký kết bao tiêu than với 3 đối tác của Thái Lan với sản lượng dự kiến 200.000 tấn.

Những lưu ý khi vào thị trường Lào

Bên cạnh nhiều thuận lợi thì các DN Việt đều gặp phải khó khăn vay vốn ngân hàng. Bởi các ngân hàng VN chưa có chi nhánh tại đây để thẩm định năng lực, uy tín, tài sản của DN. Trong khi đó, phần lớn các công trình xây dựng từ nguồn vốn của Chính phủ Lào hay viện trợ của VN đều giải ngân rất chậm. So sánh tương quan lực lượng trên thị trường Lào nói chung và Hủa Phăn, Xiêng Khoảng nói riêng, các DN Trung Quốc, Hàn Quốc mạnh hơn hẳn các DN Việt về vốn và chính sách hỗ trợ từ chính quốc.

Trong chuyến thăm chính thức Lào từ 12 – 15.3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp đến thăm Hủa Phăn. Một số DN tháp tùng Thủ tướng như Ngân hàng BIDV, hay như Ngân hàng liên doanh Lào-Việt (đã có chi nhánh tại tỉnh Xiêng Khoảng Phôn Xa Vẳn)... đã có ý định đặt chi nhánh tại Hủa Phăn để trở thành hậu phương tài chính cho cộng đồng các DN Việt.

Giao thông vận tải không thuận lợi cũng là điểm phải lưu ý. Các tuyến đường đấu nối từ Hủa Phăn và Xiêng Khoảng đến các cửa khẩu của VN tuy đã rải nhựa nhưng đều đã xuống cấp, đi lại khó khăn. Đường đi Sơn La thì phải qua sông Mã, đường đến cửa khẩu Nghệ An thiếu cầu và hầu như không đi lại được vào mùa mưa. “DN Việt nào đến đây cũng thích vào thị trường nhưng tính toán đến vận chuyển thì ai cũng chần chừ...” - ông Khăm Sinh thừa nhận. Tuy nhiên, đây cũng chính là lĩnh vực xây dựng cầu đường mà nhiều DN Việt nhắm tới. Ông Nguyễn Quang Vinh - đại diện của Cty Chit Cha Lon tại Hủa Phăn - cho biết, Cty đang tiến hành làm cầu, đường từ Sầm Nưa về cửa khẩu Sơn La với tổng vốn đầu tư 420 tỉ kíp từ dự án đầu tư của Chính phủ Lào.

Một dự án xây dựng sân bay tại Hủa Phăn do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Chit Chalon hợp tác đầu tư với tổng vốn giai đoạn 1 từ 2013-2015 là 80 triệu USD đã được triển khai. Tương lai không xa, với đường bay trực tiếp từ VN đến Hủa Phăn sẽ càng tạo điều kiện thuận lợi cho tình hình thông thương 2 nước ở miền đất còn nhiều hoang sơ và tiềm năng này.


(Theo Báo LĐ)

Theo cohoigiaothuong.com.vn