Cơ hội giao thương - Nhật Bản là thị trường nhập khẩu lớn hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) của Việt Nam, chiếm từ 10-29% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.






Nhật Bản là thị trường nhập khẩu lớn hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) của Việt Nam, chiếm từ 10-29% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, con số trên vẫn chưa xứng với tiềm năng về nguyên liệu và lực lượng hơn 10 triệu lao động trong ngành này, nguyên nhân chủ yếu là do khả năng tiếp cận thị trường của các DN Việt Nam còn hạn chế, thiếu thông tin hỗ trợ thị trường.
Ông Nguyễn Cảnh Toàn- Ủy viên Hiệp hội phát triển thương hiệu hàng Việt Nam tại Nhật Bản (Vismas)- cho biết: hiện Việt Nam chưa có sản phẩm TCMN nào thành công tại Nhật Bản. Chẳng hạn, đối với mặt hàng gốm, trước đây, người Nhật rất ưa chuộng mặt hàng gốm của Việt Nam, nhưng gần đây, người Nhật đánh giá gốm của Việt Nam không phải là mặt hàng chất lượng cao nữa. Bởi đối với người Nhật, một sản phẩm tốt thì chất lượng phải đảm bảo, hình thức phải đẹp từ trong ra ngoài. Chẳng hạn, bát ăn cơm xuất khẩu vào Nhật Bản, khi đến tay người tiêu dùng Nhật thì “nhìn bề ngoài rất đẹp, nhưng khi lật mặt sau bát lên thì thấy thô ráp”. Đó là nguyên nhân vì sao người Nhật đánh giá hàng TCMN của Việt Nam tốt nhưng chất lượng chưa đạt yêu cầu, chưa kể mẫu mã còn thiếu đa dạng.
Theo ông Nguyễn Cảnh Toàn, DN xuất khẩu hàng TCMN sang thị trường Nhật Bản cần chú ý đến 3 vấn đề: Thứ nhất, thị trường Nhật Bản rất khắt khe. Chẳng hạn, một bức tranh rất đẹp nhưng chỉ cần một vết xước nhỏ thôi thì cũng bị loại ra.
Thứ hai là sự khác biệt về văn hóa. Nhật Bản là nước rất bảo thủ trong tiêu dùng. Khi người tiêu dùng không biết gì về sản phẩm và chưa nhìn thấy sản phẩm đấy bao giờ thì họ chưa chắc đã chọn và dùng sản phẩm. Chính vì vậy, để phát triển được sản phẩm vào thị trường Nhật thì điều đầu tiên là các DN cần nâng cao năng lực thiết kế sản phẩm để thỏa mãn được nhu cầu thẩm mỹ, kiểu dáng của người Nhật. “Người Việt Nam sống ở vùng nhiệt đới, dùng màu sắc rất đa dạng, nhiều gam màu màu nóng. Tuy nhiên, văn hóa người Nhật nhà bằng gỗ, nhà chống động đất nên họ dùng những màu rất trầm. Chính vì vậy, các sản phẩm TCMN màu sắc của Việt Nam không hấp dẫn người tiêu dùng Nhật Bản. Đây là điều chúng ta cần phải đặc biệt lưu ý”- ông Toàn nhấn mạnh.
Thứ ba là chính sách của Nhật Bản hiện nay là thúc đẩy XK, do vậy sẽ có nhiều rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa xuất vào Nhật. Đây chính là những khó khăn đối với DN Việt Nam khi XK sang Nhật Bản.

Hạnh Nguyễn

Theo cohoigiaothuong.com.vn