Cơ hội giao thương - Thị trường Nga có thế mạnh về các sản phẩm bánh kẹo, chế biến thực phẩm nên cũng là thị trường có nhu cầu lớn về nhập khẩu nguyên liệu, hương liệu từ Việt Nam như tinh bột sắn, cơm dừa, tiêu, ớt, hành, tỏi…




Thị trường Nga có nhu cầu lớn về nhập khẩu nguyên liệu, hương liệu từ Việt Nam như hạt tiêu, ớt, hành, tỏi…

Thị trường Nga có thế mạnh về các sản phẩm bánh kẹo, chế biến thực phẩm nên cũng là thị trường có nhu cầu lớn về nhập khẩu nguyên liệu, hương liệu từ Việt Nam như tinh bột sắn, cơm dừa, tiêu, ớt, hành, tỏi…
Cũng như các nhà nhập khẩu trên thế giới, khách hàng Nga khi giao dịch mua bán cũng tuân theo thông lệ/luật quốc tế, không có những quy định, rào cản quá đặc biệt. Nhìn chung, các doanh nhân Nga khi giao dịch vẫn còn mang nhiều tính áp đặt. Do vậy, khi giao dịch với các đối tác tại thị trường này, DN Việt Nam nên giao dịch mềm mỏng, tôn trọng. Khi có khúc mắc nên giải thích kỹ càng với khách hàng để họ hiểu nhưng không làm ảnh hưởng tới quyền lợi của mình. Không nên dễ dàng nhượng bộ khi chưa đàm phán và giải thích cặn kẽ với khách hàng.
Đa số các nhà nhập khẩu Nga đều thuê một công ty vận chuyển làm thủ tục hải quan, nhận hàng (trừ các công ty lớn). Do vậy, DN Việt Nam cần lưu ý, luôn luôn làm theo hướng dẫn của đơn vị này khi làm chứng từ hàng xuất. Bên cạnh đó, đối tác Nga chủ yếu tính thuế theo trọng lượng của hàng hóa nên DN cần tập trung nghiên cứu cải tiến quy cách đóng gói để giảm chi phí.
Bằng kinh nghiệm thực tế trong nhiều năm giao dịch với DN Nga với kim ngạch xuất nhập khẩu trung bình đạt khoảng 4 triệu USD/năm, ông Chu Xuân Kiên – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội – cho biết: Nước Nga chủ yếu chỉ nhập qua hai cửa khẩu chính là Vladivostock và Saint-Peterburg, rồi thông qua đường sắt Trans-Siberia đưa về Moscow. Vì vậy, thời gian vận chuyển hàng hóa tới tận tay nhà nhập khẩu sẽ kéo dài, đặc biệt là vào mùa đông (có thể lên tới 75 ngày). Đối với một số mặt hàng nông sản, nên bọc gói, bọc lót container cẩn thận để không làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa. Cũng theo ông Kiên, khi tỷ giá USD tăng làm hàng nhập khẩu vào Nga trở nên đắt đỏ hơn, ảnh hưởng rất lớn đến việc chào bán, đối tác Nga sẽ dừng các đơn hàng đang giao dịch và tìm các nhập khẩu theo các ngạch không chính thức. Do người Nga và các nước lân cận ít sử dụng tiếng Anh nên cần có cán bộ thông thao tiếng Nga để giao dịch thành công.
Đàm phán về phương thức thanh toán ở thị trường Nga cũng là một vấn đề khó khăn mà nhiều DN Việt Nam gặp phải. Phương thức trả chậm, trả sau được nhiều DN áp dụng nhưng tính rủi ro khá cao, cần cân khắc kỹ khi chấp nhận với đối tác Nga.



Ngọc Thúy

Theo cohoigiaothuong.com.vn