Cơ hội giao thương - Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hầu như chưa được hưởng lợi từ chính sách tăng tỷ giá hồi cuối tháng qua. Giá thu mua nguyên liệu xuất khẩu cũng không tăng theo tỷ giá.





Do phải vay nợ USD để thu mua nguyên liệu, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản không hưởng lợi nhiều từ việc tăng tỷ giá.

Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hầu như chưa được hưởng lợi từ chính sách tăng tỷ giá hồi cuối tháng qua. Giá thu mua nguyên liệu xuất khẩu cũng không tăng theo tỷ giá.
Theo các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông lâm thuỷ sản, nguyên liệu đầu vào nhập khẩu chiếm tới 70% giá thành các sản phẩm xuất khẩu, phụ thuộc vào đồng đôla Mỹ. Tỷ giá tăng 1%, cũng đồng nghĩa với việc giá các loại nguyên liệu đầu vào trong chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản và sản xuất lúa phải nhập từ nước ngoài tăng thêm.

Nguyên liệu đầu vào: hại nhiều hơn lợi

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thống kê, sáu tháng đầu năm doanh nghiệp bỏ ra tới 1,49 tỉ USD nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Nếu tiến độ nhập khẩu theo đúng kế hoạch, thì sáu tháng còn lại của năm nay, chúng ta phải chi thêm khoảng 1,5 tỉ USD nữa để nhập nguyên liệu và doanh nghiệp phải bỏ thêm một khoản tiền đồng rất lớn để bù vào khoản chênh lệch tỷ giá.

Trong lúc đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng, tỷ giá tăng 1% không đủ để tăng giá thu mua nguyên liệu trong nước, giúp người sản xuất có lợi nhuận cao.

Thực tế, đến ngày 9.7, sau gần hai tuần điều chỉnh tỷ giá, giá cá tra ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn dậm chân ở mức 18.000 – 19.000 đồng/kg, thậm chí nhiều nơi còn giảm khoảng 500 đồng. Theo ông Nguyễn Văn Kịch, tổng giám đốc công ty cổ phần Thuỷ sản Cần Thơ (Cafatex), gốc của vấn đề giá cá tra tăng hay giảm không phải là do tỷ giá, mà do thị trường đầu ra và năng lực tài chính của từng doanh nghiệp. Đối với thị trường xuất khẩu, ông Kịch cho biết hiện một số thị trường lớn như Nga, Ukraine đã ngưng nhập khẩu để đàm phán lại một số điều khoản hợp tác cho phù hợp với luật tự do thương mại. Thị trường Ai Cập cũng ngưng hoàn toàn do tác động chính trị. Còn thị trường châu Âu, Mỹ, các doanh nghiệp đang giành nhau xuất khẩu nên phải “đạp” giá chào bán. “Điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 1% từ cuối tháng 6 đến nay, giá xuất khẩu cá tra lại đang giảm khá mạnh. Tôi cho rằng có nhiều doanh nghiệp đang mất khả năng về tài chính, họ phải bán ra bằng mọi giá để có dòng tiền đáo hạn ngân hàng”, ông Kịch phân tích thêm.

Tương tự, giá lúa hè thu loại tốt ở các tỉnh ĐBSCL mặc dù tăng thêm 200 – 300 đồng, ở mức 4.500 – 4.800 đồng/kg tại ruộng, nhưng doanh nghiệp xuất khẩu cũng cho rằng việc tăng giá không đến từ chính sách thay đổi tỷ giá. Theo ông Phạm Văn Bảy, phó chủ tịch hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá lúa hè thu tăng, thứ nhất là do nhu cầu mua tạm trữ và mua cho hoạt động xuất khẩu, kế đến là do thị trường xuất khẩu xuất hiện nhu cầu từ Trung Quốc và châu Phi. “Tỷ giá cũng có tác động nhưng không lớn bằng nhu cầu mua gạo từ phía doanh nghiệp đang gia tăng lên đáng kể”, ông Bảy khẳng định.

Trả hết cho ngân hàng

Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đều lệ thuộc vốn vay ngân hàng. Vay đôla với lãi suất chỉ từ 4 – 5%/năm, sau đó đổi ra VND để mua nguyện liệu sẽ có lợi hơn nhiều so với mức lãi VND lên tới 10 – 15%/năm, được hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lựa chọn. Thông thường, một chu kỳ vay USD dao động từ 3 – 4 tháng theo vòng quay của hoạt động xuất khẩu, có trường hợp doanh nghiệp lựa chọn thời gian đáo hạn từ sáu tháng cho đến một năm.

Ông Huỳnh Công Thành, giám đốc công ty Lương thực TP.HCM cho biết, từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng công ty xuất khẩu 5.000 – 6.000 tấn gạo. Toàn bộ số đôla thu được, khoảng trên 2 triệu USD/ tháng đều dùng để trả nợ ngân hàng. “Do lãi suất tiền đồng quá cao nên công ty phải vay đôla sau đó đổi ra VND để mua nguyên liệu xuất khẩu. Dòng đôla thu về, chúng tôi trả hết cho ngân hàng chứ không được giữ lại hoặc bán ra ngoài”, ông Thành giải thích.

Do cũng chọn cách vay USD như Công ty Lương thực TP.HCM, nên ông Trần Văn Lĩnh, tổng giám đốc công ty cổ phần thuỷ sản và thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) nói rằng, công ty này không được hưởng lợi từ việc tỷ giá tăng. “Sáu tháng đầu năm nay, Thuận Phước đạt kim ngạch xuất khẩu 32 triệu USD, tăng 22%. Tính ra trung bình mỗi tháng trong tài khoản của chúng tôi có hơn 5 triệu USD, nhưng tiền về đồng nào đều chuyển lại trả nợ hết cho ngân hàng. Tỷ giá tăng 1% chứ cao hơn nữa cũng vậy cả thôi”, ông Lĩnh cho biết.


(Theo SGGP)

Theo cohoigiaothuong.com.vn