Cơ hội giao thương - Hội thảo quốc tế về thúc đẩy xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Ấn Độ và chương trình trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản xuất và tiếp cận thị trường trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ quốc tế đã được khai mạc ngày 17/9 tại thủ đô New Dehli.




Nghệ nhân thêu Việt Nam biểu diễn thêu sản phẩm tại chỗ.

Hội thảo quốc tế về thúc đẩy xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Ấn Độ và chương trình trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản xuất và tiếp cận thị trường trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ quốc tế đã được khai mạc ngày 17/9 tại thủ đô New Dehli.
Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia và nghệ nhân đến từ Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Nhật Bản, Ireland và nước chủ nhà.

Đoàn Việt Nam, do ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ (Vietcraft) dẫn đầu tham dự hội thảo. Gian hàng Việt Nam trưng bày các mặt hàng thêu tay và chạm khắc tranh trên đá, thu hút đông đảo khách tới tham quan.

Ông Lê Bá Ngọc cho biết đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia hội thảo về thủ công mỹ nghệ tại Ấn Độ, với hai nghệ nhân chuyên về thêu và chạm khắc trên đá trực tiếp trình diễn sản xuất các sản phẩm tại chỗ. Ông bày tỏ hy vọng trong xu hướng hội nhập thị trường, cuộc hội thảo lần này là cơ hội cho Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồng thời giao lưu và trao đổi kinh nghiệm với các nước.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Ủy ban phát triển thủ công mỹ nghệ Ấn Độ S.S. Gupta cho biết xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ góp phần quan trọng cho kinh tế Ấn Độ, với mức tăng bình quân 15%/năm trong vài thập niên qua.

Giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Ấn Độ đạt khoảng 5.600 triệu USD/năm, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 3.304 triệu USD và tiêu thụ trong nước là 2.300 triệu USD. Tuy nhiên, Ấn Độ chưa khai thác được thị trường quốc tế khi thị phần hàng thủ công mỹ nghệ của nước này chiếm chưa đến 2% thị trường thế giới.

Theo ông S.S. Gupta, ngành thủ công mỹ nghệ Ấn Độ đang đứng trước những thách thức to lớn như chi phí lao động và nguyên liệu thô tăng; sản phẩm mỹ nghệ được cơ khí hóa rẻ hơn cũng là mối đe dọa đối với hàng thủ công mỹ nghệ. Do đó, ngành thủ công mỹ nghệ cần nâng cấp công nghệ, cải tiến mẫu mã và chất lượng nguyên liệu thô.

Ông cũng bày tỏ hy vọng cuộc hội thảo sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất thủ công mỹ nghệ Ấn Độ trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu thị trường cùng các nước./.


(Theo TTXVN)

Theo cohoigiaothuong.com.vn