Cơ hội giao thương - Ngày 7/10, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Đông Á – Thái Bình Dương. Theo đó, tăng trưởng tại các nước đang phát triển Đông Á tuy giảm nhưng vẫn cao nhất thế giới ở mức 7,1 % năm 2013.


Ngày 7/10, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Đông Á – Thái Bình Dương. Theo đó, tăng trưởng tại các nước đang phát triển Đông Á tuy giảm nhưng vẫn cao nhất thế giới ở mức 7,1 % năm 2013.
Báo cáo này đã đưa ra dự đoán mức tăng trưởng trung bình năm 2013 của các nước đang phát triển trong khu vực đạt 7,1% và 7,2% vào năm 2014. Đây là mức điều chỉnh đi xuống so với con số WB dự báo trước đó (tháng 4 năm 2013), nhưng các nước đang phát triển khu vực Đông Á vẫn dẫn đầu so với các khu vực khác trên thế giới.
Theo ông Axel van Trotsenburg, Phó Chủ tịch phụ trách Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của WB, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương vẫn là đầu tàu kinh tế toàn cầu, đóng góp tới 40% tăng trưởng GDP toàn thế giới, cao hơn bất kỳ khu vực nào khác. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã bắt đầu tăng tốc trở lại và đây chính là lúc các nước đang phát triển cần tiến hành tái cơ cấu và cải cách chính sách nếu muốn duy trì tăng trưởng, giảm nghèo và cải thiện đời sống cho nhóm người nghèo dễ bị tổn thương.
Theo báo cáo này, tăng trưởng tại các nước đang phát triển khu vực Đông Á suy giảm do Trung Quốc chuyển trọng tâm từ xuất khẩu sang thị trường nội địa. Các nền kinh tế lớn thuộc nhóm thu nhập trung bình như Indonesia, Malaysia và Thái Lan cũng có mức suy giảm tăng trưởng nhẹ do chịu ảnh hưởng bởi suy giảm đầu tư, giá hàng hóa thế giới đi xuống và xuất khẩu không như mong muốn. Tăng trưởng Trung Quốc dự kiến đạt mục tiêu đặt ra là 7,5% trong năm nay. Viễn cảnh ngắn hạn đang được cải thiện do sản lượng công nghiệp quý III năm 2013 tiếp tục tăng. Tăng trưởng năm 2014 dự tính sẽ đạt mức 7,4% nhưng vẫn tồn tại một số rủi ro tái cơ cấu kinh tế Trung Quốc, đó là nguy cơ đầu tư sẽ giảm quá nhiều dẫn đến tác động tiêu cực lên nền kinh tế khu vực, nhất là đối với các nhà đầu tư vốn và cung cấp nguyên vật liệu thô sang Trung Quốc.
Nếu không tính Trung Quốc, tăng trưởng dự tính trong khu vực năm 2013 sẽ đạt 5,2% và năm 2014 sẽ ở mức 5,3%. Trong khi cầu nội địa vẫn tiếp tục là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng, thì tăng trưởng đầu tư giảm nhẹ tại một số nền kinh tế ASEAN chủ yếu như Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Tại Philipin, tiêu dùng và kiều hối giúp nền kinh tế phát triển. Mức tăng trưởng cũng khá khả quan tại các nền kinh tế nhỏ, chẳng hạn Campuchia tăng trưởng nhờ vào xuất khẩu may mặc và du lịch. Khi nền kinh tế Mỹ, Nhật và khu vực đồng Euro hồi phục và có chiều hướng tăng tốc trong quý II năm 2013 các nước Đông Á đã được hưởng lợi do tỉ trọng xuất khẩu cao của mình. Nhưng họ cũng phải chuẩn bị tốt hơn trong trường hợp có những điều chỉnh bất thường. Nguyên nhân trong vài tháng qua, đồn đoán về khả năng ngừng chính sách nới lỏng tiền tệ ở Mỹ đã dẫn đến việc bán tháo cổ phiếu và làm mất giá đồng tiền, gây ảnh hưởng tới các nền kinh tế có tỉ lệ vốn ngoại lớn trên thị trường tài chính.
Nhận xét về vấn đề trên, ông Bert Hofman, Chuyên gia kinh tế trưởng Khu vực Bắc Á - Thái Bình Dương của WB cho rằng, quyết định tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tạo ra cơ hội thứ hai cho các nước áp dụng các biện pháp giảm nhẹ rủi ro trong tương lai. Các nước có thể áp dụng một số biện pháp như giảm phụ thuộc vào các món vay ngắn hạn hoặc vay bằng ngoại tệ, giảm tỉ giá trong trường hợp tăng trưởng dưới mức mong đợi và tạo vùng đệm chính sách nhằm đối phó với biến động thanh khoản toàn cầu.
Tác động của chính sách thắt chặt nguồn vốn từ bên ngoài cũng bị giảm bớt do chính sách “Abenomics” - chiến lược kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản nhằm kích thích tăng trưởng và dẫn đến tăng đầu tư Nhật trong khu vực. Phản ứng mạnh mẽ về tài khóa và tiền tệ trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng tạo ra nhiều rủi ro tại các nền kinh tế. Các nước cần chuẩn bị đối phó với xu thế tăng dần lãi suất tại các nước phát triển và sẽ phải cố gắng gấp hai lần thì mới có thể duy trì ổn định tài chính.
Về lâu dài, theo ông Bert Hofman, do đầu tư sẽ bị tác động bởi lãi suất cao nên thành công trong việc đẩy mạnh tăng trưởng và giảm nghèo sẽ phụ thuộc vào tái cơ cấu kịp thời. Các nước cần cải thiện môi trường đầu tư và đầu tư nhiều hơn nữa vào cơ sở hạ tầng, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư công. Viễn cảnh tăng trưởng toàn cầu sáng sủa hơn sẽ giúp các nước đang phát triển thực hiện cải cách có thể giúp họ hồi phục và tăng trưởng trên một nền tảng vững chắc hơn. Các chính phủ cần giải quyết rủi ro tài khóa và tạo môi trường hỗ trợ tăng trường dài hạn, kể cả biện pháp cắt giảm trợ giá năng lượng.



Lê Kim Liên

Theo cohoigiaothuong.com.vn