Cơ hội giao thương - Mức ưu đãi thuế quan cao nhất (GSP+) tạo thuận lợi hơn cho các quốc gia có cùng mặt hàng xuất khẩu như Việt Nam.






Mức ưu đãi thuế quan cao nhất (GSP+) tạo thuận lợi hơn cho các quốc gia có cùng mặt hàng xuất khẩu như Việt Nam.
Theo Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), việc Pakistan được hưởng mức ưu đãi thuế quan cao nhất (GSP+) có thể sẽ tạo ra cạnh tranh với các nhà xuất khẩu của Việt Nam, do các mặt hàng Pakistan xuất khẩu sang EU cũng là mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU như dệt may, sản phẩm da.
Trong năm 2013, giá trị xuất khẩu từ Pakistan sang EU đạt 3,4 tỉ euro. Trong khi đó theo quy định mới về ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), thuế suất các mặt hàng giày dép của Việt Nam nhập khẩu vào EU sẽ giảm từ 13-14% xuống 3% - 4%. Tuy nhiên, theo báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh tháng 1/2014 của Bộ Công Thương, sản lượng giày, dép da của Việt Nam ước đạt 18,7 triệu đôi, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước.
Từ ngày 1/1/2014, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu sẽ áp dụng Chương trình Ưu đãi thuế quan phổ cập GSP mới, cho phép 10 nước đang phát triển được hưởng GSP+ trong đó có Pakistan.
Theo đó, Chương trình GSP+ cung cấp các ưu đãi bổ sung để các nước đang phát triển dễ bị tổn thương có thể phê chuẩn và thực hiện một số công ước quốc tế về quyền cốt lõi về con người và lao động, môi trường và quản trị tốt.
Với việc áp dụng chương trình này, ngoại trừ Pakistan lần đầu tiên được hưởng GSP+, 9 nước còn lại đều đã được hưởng ưu đãi GSP+ từ giai đoạn trước (hết hạn ngày 31/12/2013), nay được tiếp tục nhận ưu đãi GSP+ cho giai đoạn năm 2014 - 2016.
Trước đó, từ năm 2012, Ủy ban châu Âu cũng đã ban hành Quyết định số 1213/2012 về việc ngừng cấp ưu đãi thuế quan GSP cho một số mục sản phẩm GSP từ một số nước cụ thể. Kèm theo Quyết định này là danh sách các mục sản phẩm bị coi là trưởng thành từ 8 nước, trong đó không có mục sản phẩm nào từ Việt Nam.
Theo quyết định này, sản phẩm thuộc nhóm 12 a và 12 b chủ yếu là giày dép của Việt Nam đã chính thức ra khỏi danh sách các mục trưởng thành của EU. Quyết định này là văn bản pháp lý bổ sung Quyết định số 978/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/12/2016.


(Theo VOV)

Theo cohoigiaothuong.com.vn