Cơ hội giao thương - Nhu cầu gạo toàn cầu sẽ đạt 500 triệu tấn trong 10 năm tới, trong khi các hiệp định thương mại tự do sẽ giúp Việt Nam mở cửa nhiều thị trường.






Nhu cầu gạo toàn cầu sẽ đạt 500 triệu tấn trong 10 năm tới, trong khi các hiệp định thương mại tự do sẽ giúp Việt Nam mở cửa nhiều thị trường.
Nhận định nêu trên được nhiều ý kiến chia sẻ tại hội thảo về Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo diễn ra tại Hà Nội ngày 25/8/2015. Theo Phó viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) - Tiến sĩ Trần Công Thắng, châu Á chiếm khoảng 2/3 tổng cầu về gạo của thế giới vào năm 2030, đặc biệt là nhu cầu đối với các loại gạo chất lượng cao.
Trong khi đó, nhiều nước nhập khẩu không thể đẩy mạnh sản xuất do hạn chế về điều kiện tự nhiên và nguồn lực.Vì vậy, nhu cầu nhập khẩu gạo tiếp tục tăng lên với tốc độ bình quân 1,5% mỗi năm.
Ngoài ra, cơ hội cho gạo xuất khẩu được mở rộng thị trường khi Việt Nam tham gia ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do, liên minh thuế quan. Cùng với đó, sự đầu tư của doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng hoàn thiện, sự phát triển của khoa học công nghệ về giống, kỹ thuật canh tác, bảo quản, chế biến... là những yếu tố để đẩy mạnh phát triển ngành sản xuất lúa gạo.
Về xuất khẩu, theo chuyên gia Ipsard, Việt Nam và Thái Lan sẽ chiếm hơn 47% xuất khẩu gạo thế giới trong vài năm tới, đóng góp 87% vào tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này trên toàn cầu. Ngoài Thái Lan, các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam sẽ gồm Ấn Độ, Pakistan, Mỹ... Myanmar cũng có triển vọng trở thành một nước xuất khẩu gạo lớn tại châu Á nhưng khả năng cạnh tranh với Việt Nam là chưa rõ ràng.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp), từ đầu năm đến nay, gạo xuất khẩu gặp không ít khó khăn và dự kiến tình trạng này không có nhiều biến chuyển nhiều trong 1-2 năm tới. Ngoài vấn đề đất đai, ngành lúa gạo đang đối mặt với nhiều thách thức khác như: thay đổi nhu cầu tiêu thụ, áp lực cạnh tranh từ các nước xuất khẩu khác, chính sách tự cấp giảm nhập khẩu của đối tác, biến động giá gạo. Song, nếu xét ở trung và dài hạn cơ quan này cho biết Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội xuất khẩu gạo.
Do đó, Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đang được cơ quan quản lý lấy ý kiến của các đơn vị liên quan, trong đó đề cập một số giải pháp cho từng vùng sản xuất. Theo đó, đồng bằng sông Cửu Long tập trung các giống chất lượng cao hướng tới xuất khẩu là chính. Đồng bằng sông Hồng và các vùng sản xuất lúa hàng hóa, còn lại tập trung cho thị trường nội địa.


(Theo VnExpress)

Theo cohoigiaothuong.com.vn