Cơ hội giao thương - Một tài liệu của Mỹ cho rằng Việt Nam có sản phẩm thủy sản không theo qui định được xuất khẩu vào Mỹ.




Việt Nam xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 500 triệu USD/năm.

Một tài liệu của Mỹ cho rằng Việt Nam có sản phẩm thủy sản không theo qui định được xuất khẩu vào Mỹ.
Không chỉ thuỷ sản nuôi trồng, giờ đây các sản phẩm thuỷ sản đánh bắt của Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ mới khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố thành lập một Nhóm công tác liên ngành (Task Force) nhằm đối phó với tình trạng gian lận thuỷ sản và các hoạt động đánh bắt thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo qui định (IUU). Nhóm công tác này do Bộ Ngoại giao Mỹ đứng đầu với sự tham gia của 13 cơ quan liên bang khác và sẽ đưa ra những khuyến nghị vào ngày 17/12 tới để Tổng thống Obama có những đối sách thích hợp.
Đáng chú ý là nhóm công tác nhiều khả năng sẽ sử dụng tài liệu của Marine Policy, một chuyên san hàng đầu của Mỹ về nghiên cứu chính sách hải dương, để tham chiếu cho các khuyến nghị sắp tới, đe doạ hoạt động xuất khẩu thuỷ sản của nhiều nước. Theo chuyên san Marine Policy, từ 20% đến 30% lượng thuỷ sản khai thác tự nhiên nhập khẩu vào Mỹ có nguồn gốc bất hợp pháp, không báo cáo và không theo qui định. Việt Nam là 1 trong 10 nước có sản phẩm đánh bắt xuất khẩu vào Mỹ nằm trong cáo buộc trên, với tỷ lệ từ 22% đến 31%.
Trong cuộc họp gần đây do Đại sứ quán Canada tại Mỹ chủ trì, đại diện 13 nước xuất khẩu thuỷ sản lớn vào Mỹ trong đó có Việt Nam khẳng định rằng tài liệu của chuyên san Marine Policy chủ yếu dựa trên những thông tin không rõ nguồn gốc và sử dụng phương pháp ngoại suy để tính tỷ lệ đánh bắt bất hợp pháp.
Cuộc họp cũng nhận định rằng Nhóm công tác liên ngành của Mỹ có thể sẽ đưa ra những khuyến nghị như yêu cầu áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc riêng đối với tất cả các loại thuỷ sản nhập khẩu, mở rộng hạn chế nhập khẩu thủy sản nuôi trồng từ những nước bị cáo buộc đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo qui định nhưng không có giải pháp trong vấn đề này.
Ngoài ra, Nhóm công tác có thể sẽ yêu cầu dán nhãn chứng minh nguồn gốc hợp pháp của thuỷ sản đánh bắt, thủy sản chế biến hoặc xây dựng 1 hệ thống thu phí nhập khẩu để chi trả cho các hoạt động kiểm tra nguồn gốc thuỷ sản tại cửa khẩu. Thậm chí phía Mỹ còn có khả năng không cho phép sử dụng nguồn thủy sản đánh bắt bất hợp pháp để chế biến thức ăn cho thủy sản nuôi trồng trong nước, nếu muốn xuất khẩu mặt hàng này vào Mỹ.
Nếu được áp dụng, bất kỳ hoặc tất cả các biện pháp nói trên đều có tác động lớn đến thuỷ sản xuất khẩu vào Mỹ của các nước liên quan. Đại diện các nước xuất khẩu thuỷ sản nhất trí sẽ xem xét bày tỏ quan ngại đối với việc Mỹ thực hiện biện pháp bảo hộ thương mại trái với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Hiện Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đang phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) và các cơ quan hữu quan để phản đối cáo buộc vô căn cứ trên đối với Việt Nam, đồng thời xây dựng phương án đấu tranh với phía Mỹ trong vấn đề này. Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch năm 2013 đạt 187 triệu USD, chiếm gần 36% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.


(Theo VOV Online)

Theo cohoigiaothuong.com.vn