Cơ hội giao thương - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã quyết định gửi kháng kiện lên Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (US ITC) về cách thức mà Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã tính toán và áp mức thuế chống bán phá giá con tôm Việt Nam một cách không công bằng và bất hợp lý.




Chế biến tôm xuất khẩu.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã quyết định gửi kháng kiện lên Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (US ITC) về cách thức mà Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã tính toán và áp mức thuế chống bán phá giá con tôm Việt Nam một cách không công bằng và bất hợp lý.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP cho biết, ngày 29/9, đại diện 31/32 doanh nghiệp phải chịu thế chống bán phá giá đã có cuộc họp và tất cả đều đồng ý với việc sẽ thống nhất phản kháng quyết định của DOC và sẽ đệ trình đơn lên US ITC phản đối sự vô lý của DOC khi sử dụng phương pháp tính toán riêng biệt đối với tôm Việt Nam. Đây là một quyết định VASEP thấy rằng rất bất hợp lý và cần thiết có kháng kiện yêu cầu DOC có sự thay đổi, điều chỉnh cho thích hợp.

Các doanh nghiệp sẽ khẩn trương theo vụ kiện và cũng chuẩn bị những lập luận mới cho đợt xem xét hành chính lần thứ chín (POR 9).

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, điều đáng chú ý nhất là với POR 7 (năm 2013), khi đó DOC đã kết luận các doanh nghiệp tôm của Việt Nam không bán phá giá, không gây thiệt hại gì cho Mỹ và thuế bằng 0% cho tất cả 32 doanh nghiệp của Việt Nam. Năm nay, với POR 8, DOC lại kết luận các doanh nghiệp Việt Nam đều bán phá giá với mức thuế rất cao, có thể nói là cao nhất trong 8 chu kỳ tính thuế của DOC.

Cụ thể, 30/32 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong thời gian trên chịu thuế chống bán phá giá là 6,37%. Hai doanh nghiệp còn lại là Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chịu mức thuế 4,98% và Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX) 9,75%. Mức thuế chung cho các doanh nghiệp khác là 25,76%.

“Mức thuế POR 8 quá cao trên là rất vô lý, bởi nó được tính toán dựa trên những số liệu thiếu cơ sở và không hợp lý. Phương pháp tính giá cá biệt mà DOC áp dụng lần này là hoàn toàn vô lý và thiếu cơ sở đối với việc tính toán thuế chống bán phá giá cho sản phẩm tôm. Đặc biệt, phương pháp thiếu tính khoa học, không có cơ sở thống kê và tính thực tiễn này cũng đang gây nhiều tranh cãi trong việc áp dụng ở Luật chống bán phá giá ở Mỹ,” ông Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Trong cách tính POR 8 này, DOC lấy số liệu Việt Nam so sánh với nước thứ ba là Bangladesh. Mặc dù tính toán cho giai đoạn 2012-2013, nhưng DOC lại lấy số liệu năm 2003 của Bangladesh.

Các số liệu không được cập nhật sẽ ảnh hưởng đến kết quả tính toán biên độ phá giá, thuế chống bán phá giá. “Đây là việc cần được minh bạch và yêu cầu làm đúng luật của Mỹ là lấy số liệu phản ánh chính xác nhất, cập nhật nhất để tính toán,” ông Nguyễn Hữu Dũng nói.

Đánh giá tác động của POR 8 trong thời gian tới, ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết, trước hết sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam, vì mức thuế cao như vậy sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh mặt hàng tôm của Việt Nam tại Mỹ.

Các doanh nghiệp bắt buộc phải tăng giá để có tiền nộp thuế POR 8, do đó khả năng cạnh tranh về giá sẽ bị giảm so với các nước có mức thuế thấp hơn. Thứ hai là sẽ ảnh hưởng về việc cân bằng tài chính của các doanh nghiệp. Số tiền các doanh nghiệp Việt Nam phải nộp vì POR 8 vào khoảng 35 đến 40 triệu USD.

Điều đáng nói hơn là quan hệ mua bán giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Mỹ sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới vì việc đóng thuế là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục hoạt động thương mại. Bên cạnh đó, dù các doanh nghiệp, đối tác Mỹ rất muốn mua tôm của Việt Nam cũng phải thay đổi tìm các đối tác, doanh nghiệp không bị đóng thuế để có giá cạnh tranh hơn.

Để chủ động hơn trong việc ứng phó với các POR của Mỹ, ông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải quản trị chặt chẽ hơn chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của mình, để có điều kiện, số liệu đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của DOC hàng năm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải đa dạng thị trường xuất khẩu, giảm bớt mức độ lệ thuộc vào thị trường Mỹ. “Cân đối cung cầu hiện nay, Việt Nam đang thuận trong nuôi, chế biến và xuất khẩu. Việc tìm kiếm thị trường khác là giải pháp doanh nghiệp cần phải tiến hành ngay. Chẳng hạn như thị trường Nga, nhu cầu về tôm của thị trường này đang tăng lên, cùng với việc mở cửa, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam” ông Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Tính đến ngày 15/8 vừa qua, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt gần 700 triệu USD, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2013.


(Theo TTXVN)

Theo cohoigiaothuong.com.vn