Cơ hội giao thương - Gần đây, liên tiếp xuất hiện các vụ việc lừa đảo gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp Việt Nam...


Gần đây, liên tiếp xuất hiện các vụ việc lừa đảo gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp Việt Nam...

Châu Phi là một trong những thị trường cung cấp các loại nguyên liệu đầu vào quan trọng cho Việt Nam. Chỉ tính 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này đạt 742 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng được xem là thị trường xuất khẩu mới và tiềm năng cho một số sản phẩm nông sản thế mạnh của Việt Nam.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, liên tiếp xuất hiện các vụ việc lừa đảo gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp Việt Nam khi tiến hành giao dịch xuất nhập khẩu đối với thị trường này. Để làm rõ các thủ đoạn lừa đảo cũng như cảnh báo với các doanh nghiệp Việt Nam, phóng viên VOV phỏng vấn ông Hoàng Đức Nhuận, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á.
PV: Thưa ông, trước thông tin nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị các đối tác ở thị trường châu Phi lừa đảo, chiếm đoạt tiền khi thực hiện giao dịch xuất nhập khẩu, xin ông cho biết cụ thể hình thức, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng này?
Ông Hoàng Đức Nhuận: Trong những năm gần đây, Bộ Công Thương liên tiếp đưa ra những cảnh báo về hiện tượng lừa đảo khi xuất khẩu, đặc biệt là trên mạng internet ở các nước khu vực châu Phi như An-giê-ri, Ai Cập, Maroc, Nam Phi, Nigeria…Đồng thời nêu đích danh một số tổ chức cá nhân lừa đảo ở khu vực này.
Tuy nhiên, do tâm lý chủ quan, nghiệp vụ ngoại thương hạn chế nên một số doanh nghiệp Việt Nam vẫn bị lừa mất tiền. Các đối tượng lừa đảo thường chủ động liên hệ với các doanh nghiệp Việt Nam qua email hoặc doanh nghiệp Việt Nam tự tìm kiếm đối tác châu Phi trên các trang mạng quốc tế như Alibaba.
Hình thức lừa đảo chủ yếu áp dụng là đề xuất ký những hợp đồng có giá trị lớn, thực hiện dễ dàng. Sau đó yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam đặt cọc hoặc trả trước chi phí như phí nhập khẩu, giao dịch, phí trúng thầu... Sau khi nhận được khoản phí này thì các đối tượng cắt đứt mọi liên lạc với doanh nghiệp Việt Nam. Trường hợp thứ hai cũng thường xuyên xuất hiện là lừa tiền đặt cọc của doanh nghiệp nhập khẩu của doanh nghiệp nhập khẩu hàng từ châu Phi.
Trong những năm vừa qua, Việt Nam nhập khẩu một số mặt hàng quan trọng nguyên liệu đầu vào sản xuất chế biến trong nước như gỗ, bông, hạt điều thô, sắt thép phế liệu…Các doanh nghiệp thường đặt cọc cho phí nhà cung cấp ở châu Phi, thường là khoảng 10%- 30% tổng giá trị hợp đồng. Sau khi nhận tiền đặt cọc xong thì các doanh nghiệp châu Phi không hồi âm, cắt đứt mọi liên hệ và không giao hàng.
PV: Với các trường hợp lừa đảo này, phía Việt Nam có phối hợp với cơ quan nước sở tại để điều tra và xử lý vụ việc không, thưa ông?
Ông Hoàng Đức Nhuận: Như chúng tôi nắm được thì có tới hàng chục doanh nghiệp bị lừa đảo. Số lượng tiền lừa đảo lớn nhất là ở vụ đặt cọc nhập khẩu gỗ từ Ca-ma-run, số tiền lên đến 40.000 USD. Còn các vụ khác phí đặt cọc khoảng 3000 USD đến 10.000 USD…
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn bị lừa mất hàng mẫu. Đối với những trường hợp thiệt hại lớn, doanh nghiệp đã thông báo cho các Thương vụ, Đại sứ quán hỗ trợ, đề nghị các cơ quan hữu quan nước sở tại giải quyết. Tuy nhiên trường hợp yêu cầu phía bạn tác động đòi nợ các doanh nghiệp phía châu Phi là rất khó. Vì các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác qua mạng, phần lớn các đối tác cung cấp số điện thoại và địa chỉ giả, không để lại dấu vết, nên rất khó để kiểm tra, xác minh các đối tác.
PV: Qua những vụ việc như thế này, Bộ Công Thương có khuyến cáo như thế nào đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực mở rộng thị trường?
Ông Hoàng Đức Nhuận: Để tránh rủi ro, doanh nghiệp cần tìm kiếm thông tin thị trường, cơ hội kinh doanh ở các trang web chính thức của Bộ Công Thương như Vietnamexport.com hoặc Moit.gov.vn cũng như tham khảo thông tin của các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Hạn chế tìm kiếm hoặc giao dịch với các khách hàng qua các trang mạng internet khác.
Khi thanh toán xuất nhập khẩu, doanh nghiệp nên đề nghị đối tác sử dụng L/C tức là thư tín dụng không hủy ngang mở tại các ngân hàng uy tín. Tuyệt đối không sử dụng hình thức thanh toán D/A (nhờ thu chấp nhận chứng từ), bởi một khi khách hàng đề nghị hình thức thanh toán này, rất có thể doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị mất hàng. Nếu sử dụng hình thức thanh toán D/P, doanh nghiệp Việt Nam cần phải kèm theo điều khoản tiền đặt cọc, tốt nhất là 30% trở lên.
Về nhập khẩu hàng từ châu Phi, cần tiến hành kiểm định hàng hóa thông qua tổ chức giám định quốc tế có uy tín tại nước sở tại trước khi đưa hàng lên tàu (qua các công ty như Bitec International SA, Văn phòng Veritas). Đối với những đơn hàng đầu tiên, chỉ nên mua với khối lượng nhỏ. Khi đàm phán và ký kết hợp đồng với đối tác châu Phi, các doanh nghiệp nên lựa chọn những phương thức giao hàng, thanh toán an toàn, có lợi về mình, để tránh trường hợp nhà nhập khẩu không nhận hàng nhằm ép giảm giá. Hợp đồng phải quy định rõ cơ quan giải quyết tranh chấp (trọng tài hay tòa án) để làm cơ sở cho việc giải quyết khi tranh chấp phát sinh.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!/.



(Theo VOV Online)

Theo cohoigiaothuong.com.vn