Cơ hội giao thương - Tại hội thảo khoa học “Cộng đồng kinh tế ASEAN và tác động tới phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội” tổ chức ngày 22/9/2015 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, Hà Nội cần tận dụng tốt lợi thế hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).




Hội thảo khoa học “Cộng đồng kinh tế ASEAN và tác động tới phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội”.

Tại hội thảo khoa học “Cộng đồng kinh tế ASEAN và tác động tới phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội” tổ chức ngày 22/9/2015 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, Hà Nội cần tận dụng tốt lợi thế hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN (ASEAN Community- AC), Cộng đồng kinh tế ASEAN giữ vai trò quan trọng và cũng là tham vọng chính trị lớn của ASEAN nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài... cũng như đối phó với sự gia tăng của quá trình toàn cầu hóa. Việc hình thành AEC vào cuối năm 2015 được dự báo sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam thêm 14,5% và tăng trưởng việc làm thêm 10,5%...
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội khi tham gia AEC cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các nước ASEAN, nhất là với những nước đi sau có trình độ phát triển kinh tế thấp hơn như Việt Nam. Trong vai trò là Thủ đô và trung tâm kinh tế lớn thứ hai cả nước, các chuyên gia đánh giá, mức độ hội nhập của Hà Nội vào AEC có ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế cả nước.
Từ thực tế hội nhập của Hà Nội trong thời gian qua, một số chuyên gia cho rằng, Hà Nội vẫn sẽ là nơi thu hút lượng vốn FDI lớn của cả nước. Theo TS. Nguyễn Thành Công- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, Luật thủ đô đã tạo cho Hà Nội khá nhiều cơ chế đặc thù. Vấn đề là thành phố phải biết cụ thể hóa và phát huy các cơ chế đó để tạo sức bật, phát huy tốt vai trò kết nối vùng trong thúc đẩy tăng trưởng chung của khu vực và cả nước.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, có 12 lĩnh vực được AEC ưu tiên đẩy nhanh liên kết, gồm hàng nông sản; ô tô; điện tử; nghề cá; các sản phẩm từ cao su; dệt may; các sản phẩm từ gỗ; vận tải hàng không; thương mại điện tử ASEAN; chăm sóc sức khỏe; du lịch và logistics. Có thể nói, đây đều là những lĩnh vực mà Hà Nội ít nhiều đều có thế mạnh, có sở trường và ASEAN lại là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp Hà Nội. Cho nên không có lý gì mà Hà Nội không thể tận dụng cơ hội để tăng trưởng.Theo ông Phong, cần thay đổi tư duy “hội nhập kinh tế quốc tế” bằng tư duy “hội nhập quốc tế” để có thể hội nhập hiệu quả hơn.

Để tận dụng tốt nhất các cơ hội, các ý kiến nêu tại hội thảo đều cho rằng, Hà Nội cần chủ động rà soát lại các cơ chế chính sách, tập trung tốt cho cải cách hành chính, xây dựng môi trường tốt cho doanh nghiệp. Đặc biệt, theo các chuyên gia, khâu tuyên truyền các nội dung của hội nhập nói chung và AEC nói riêng tới quần chúng nhân dân cần được lãnh đạo Hà Nội quan tâm hơn nữa bởi Hà Nội là nơi tập trung nhất cả cơ hội và thách thức. Và Hà Nội cần tập trung mạnh mẽ cho mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế của cả nước và thậm chí là trung tâm kinh tế thương mại hàng đầu của ASEAN bên cạnh việc trở thành thành phố toàn cầu thứ hai của Việt Nam sau TP. Hồ Chí Minh.
Phó Chủ tịch UNND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn:
Hội nhập AEC cũng là dịp để Hà Nội khẳng định vai trò đi đầu, tiên phong, góp phần thúc đẩy nền kinh tế cả nước đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
L.K.L

Theo cohoigiaothuong.com.vn